Tiếng Việt | English

21/03/2016 - 09:11

Long An nỗ lực chống hạn, mặn

Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng nghiêm trọng, trong đó, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành là 3 huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính quyền và người dân đang nỗ lực từng ngày để đối phó với tình trạng này.


8 công ruộng của ông Nguyễn Trí Thuần, ngụ ấp 1 xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa được tiếp nước nên lúa đã được cứu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 2-3-2016, diện tích lúa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn, mặn là 8.650ha. Trong đó, số diện tích giảm năng suất từ 30-70% là 6.490ha, tổng giá trị thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng. Với tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, dự báo khi nước mặn xâm nhập sâu theo sông Vàm Cỏ Tây khoảng 150km và sông Vàm Cỏ Đông khoảng 120km thì sẽ có thêm 9.230ha lúa bị thiệt hại từ 30-50% và 11.770ha bị thiếu nước, thiệt hại ước tính khoảng 97,7 tỉ đồng.

Tại huyện Tân Trụ, hơn 5.000ha diện tích xuống giống trong vụ này bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Nhưng nhờ được tiếp nước kịp thời nên giảm được thiệt hại, trong đó có khoảng 72ha bị mất trắng. Sau đợt 1 tiếp nước còn khoảng 565ha lúa bị ảnh hưởng, đến nay, toàn bộ diện tích này đã được tiếp nước trong đợt 2 (ngày 2 và 7-3-2016).

Huyện Thủ Thừa có khoảng 3.800ha lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn, trong đó mất trắng khoảng 60ha, tập trung chủ yếu ở các xã phía Nam. Chính quyền địa phương và người dân tích cực nạo vét kênh mương, tranh thủ những lúc độ mặn giảm sâu bơm nước vào các kênh phục vụ việc cứu lúa. Nhờ vậy, đến nay diện tích lúa bị ảnh hưởng hạn, mặn trên địa bàn còn khoảng 1.500ha, trong đó mất trắng khoảng 15ha.

Xã Nhị Thành là một trong những địa phương bị thiệt hại nhiều nhất do hạn, mặn của huyện Thủ Thừa. Toàn xã hiện có khoảng 210ha lúa chịu ảnh hưởng, trong đó, khoảng 10ha bị mất trắng. Ngoài việc thành lập đoàn đi tổng hợp những hộ dân bị thiệt hại, giảm năng suất để có biện pháp hỗ trợ, chính quyền địa phương còn hợp đồng với 2 chủ xà lan bơm nước vào các kênh và đã cứu được khoảng 200ha lúa còn lại.

Ông Trần Văn Liêm, ngụ ấp 7, xã Nhị Thành cho biết: “Gia đình tôi có 2,4ha lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn. Tưởng chừng mất trắng nhưng được tiếp nước kịp thời nên có khả năng cứu được khoảng 60% năng suất. Vì đường xa, nước yếu nên gia đình phải dùng đến 3 máy bơm chuyển qua 3 trạm mới có thể đưa nước vào đến ruộng. Ngoài ra, tôi còn bơm nước giúp vài hộ dân nữa và chỉ lấy tiền xăng, dầu thôi vì trong lúc này ai cũng khó khăn. Dù biết là lỗ, nhưng cứu được lúa cũng là niềm an ủi lắm rồi!”.

Còn ông Nguyễn Trí Thuần, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành than thở: “Gia đình tôi làm 1,3ha lúa. Đợt rồi có nước bơm vào ruộng nhưng cũng chỉ cứu được khoảng 8 công lúa thôi, còn 5 công không thể cứu nổi dù đã bơm nước, rải phân”.

Hiện nay, các giải pháp chống hạn, mặn được chính quyền địa phương và người dân tích cực thực hiện. Theo đó, tỉnh chỉ đạo xuống giống vụ Đông Xuân dứt điểm sớm, sử dụng những giống cực ngắn ngày, tổ chức xây dựng các phương án cấp nước, chỉ đạo các huyện nạo vét kênh, mương. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các sông, kênh, rạch; xác định vùng thường xuyên bị thiếu nước để có hướng giải quyết; đắp đập tại các kênh không có cống ngăn mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp hoặc dừng canh tác để tránh thiệt hại.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã công bố thiên tai, chỉ đạo nắm danh sách những hộ dân bị thiệt hại để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện tái sản xuất. Trong đợt triều kiệt từ ngày 15 đến 19-2-2016, độ mặn xuống thấp, tỉnh kết hợp xả 3 cống Bắc Đông, Rạch Chanh, Tân An lấy nước ngọt bên sông Tiền nhằm pha loãng độ mặn để lấy nước cứu hơn 8.500ha lúa; đợt triều kiệt từ ngày 2 đến 5-3-2016, tiếp tục với phương pháp trên đã lấy nước cứu được khoảng 3.000ha lúa của đợt trước trong giai đoạn làm đòng. Ngoài ra, tỉnh còn đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng cường xả nước xuống sông Vàm Cỏ Đông trong các đợt triều kém để chống mặn, tạo nguồn nước tưới và chống hạn cho 1.500ha lúa.

Trước tình hình xâm nhập mặn nghiêm trọng như hiện nay, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 90,44 tỉ đồng. Trong đó, 25,44 tỉ đồng hỗ trợ thiệt hại, 5 tỉ đồng bơm nước cho người dân và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nạo vét các công trình phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2016 và các năm tiếp theo; các huyện cũng tiến hành nạo vét kênh, đắp một số đập chống hạn, mặn với tổng kinh phí 60 tỉ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng thông tin: “Tình hình hạn, mặn trên địa bàn còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung công tác chống hạn, mặn, đi kiểm tra thực tế thường xuyên để nắm tình hình. Ngoài ra, sở còn tham mưu các giải pháp cho tỉnh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn, mặn và hỗ trợ cho người dân, tạo điều kiện tái sản xuất”./.

Thanh Mỹ

 

Chia sẻ bài viết