Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Con số bị xử lý chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm"
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tham gia giao thông. Ngoài ra, theo quy định, hễ uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là đều vi phạm và bị xử phạt dù uống nhiều, hay ít.
Quy định này được áp dụng góp phần tác động rất lớn đến ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông. Nếu so với trước, vi phạm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn nhiều người lái xe tham gia giao thông nhưng đã uống rượu, bia, thậm chí có người còn uống đến mức độ say xỉn, không còn làm chủ, kiểm soát được hành vi của bản thân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra phức tạp ở nhiều nơi, có những lúc, thời điểm, việc đi lại bị hạn chế, cấm tụ tập đông người, nhà hàng, quán nhậu phải tạm dừng hoạt động nhưng vẫn phát hiện và xử lý nhiều trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.
Cụ thể, trong năm 2020 và 2021, cảnh sát giao thông (CSGT) trong toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 3.200 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Đó chỉ là con số bề nổi của “tảng băng chìm". Còn trong thực tế, con số vi phạm chắc chắn sẽ gấp nhiều lần.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Long An, chúng tôi chứng kiến những người bị TNGT được đưa vào cấp cứu, trong đó có những người trong tình trạng đã uống rượu, bia. Gần đây, tại một đoạn đường ở TP.Tân An, có một người đàn ông điều khiển xe máy va chạm một xe khác và bị té ngã xây xát khắp người, được người dân hỗ trợ đưa đi bệnh viện cấp cứu. Điều đáng nói, người này trong tình trạng nồng nặc mùi bia, rượu.
Tại phòng điều trị của bệnh viện, chúng tôi chứng kiến một thanh niên khoảng 30 tuổi nằm bất động và phải thở bằng máy. Theo lời kể của người mẹ thanh niên này thì con của bà bị TNGT tại địa bàn huyện Bến Lức khi đang trên đường về nhà sau một lần đi nhậu với bạn bè.
“Do va đập mạnh nên con tôi bị chấn thương sọ não và thời gian qua phải nằm điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Hiện tại, con tôi tỉnh lại nhưng dường như không nhận biết được người xung quanh. Mấy tháng nằm điều trị tốn rất nhiều tiền bạc. Đã thế, mấy tháng nay, gia đình phải cử người thay phiên nhau chăm sóc ngày đêm tại bệnh viện” - người phụ nữ ngoài 50 tuổi mắt đỏ hoe, buồn bã kể.
Cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông
Theo đánh giá của Phòng CSGT, Công an tỉnh, thời gian qua, từ công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm và tuyên truyền được đẩy mạnh, mức xử phạt tăng lên nên người dân nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, trong đó, lái xe vi phạm nồng độ cồn cũng có những chuyển biến tích cực, được kéo giảm.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới”, các hoạt động thương mại, dịch vụ, đi lại, nhà hàng, khách sạn mở cửa hoạt động bình thường thì vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nguy cơ gia tăng.
Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn
Thực tế, qua ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng đã uống rượu, bia còn rất phổ biến. Mỗi chiều và tối, các quán nhậu ở địa bàn TP.Tân An, huyện Bến Lức, Đức Hòa,... lại đông nghẹt người và tất nhiên, bia, rượu vẫn được sử dụng. Có không ít bàn, chỉ có 4 khách nam nhưng uống hết 2 két bia. Thậm chí, nhiều người sau khi nhậu xong, ra khỏi quán là đã trong tình trạng say xỉn, chân bước xiêu vẹo, đi không vững nhưng còn rủ nhau đi nhậu tăng 2, tăng 3 hoặc karaoke. “Trong số này, có bao nhiêu người không tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông để tiếp tục hành trình về nhà, hoặc đi nhậu tiếp? Thực tế, nhiều người nhậu xong, dù ngà ngà say nhưng vẫn lái xe máy phóng vù vù” - anh Nguyễn Văn Phương, ngụ TP.Tân An, đặt vấn đề.
Ông Lê Văn Hùng (huyện Đức Hòa) cho rằng, giao tiếp, giao lưu qua các bữa nhậu thường gặp nhiều trong đời sống. Tâm lý “ép rượu” hay “cả nể” vẫn tồn tại trong những cuộc nhậu, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm lái xe khi đã uống rượu, bia. Có những người khi đã vi phạm, bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra thì viện đủ lý do, nào là "tiếp khách, uống có một chút, nhà gần quán nhậu,...".
Để kéo giảm TNGT, thời gian tới, lực lượng CSGT trong tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong đó đặc biệt quan tâm đến vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý cũng chỉ là một mặt bởi CSGT không thể có mặt ở tất cả địa bàn, địa điểm, do đó, cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, các quy định xử phạt và những nguy cơ gây tai nạn, hệ lụy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà đã uống rượu, bia. Qua đó, truyền tải, lan tỏa thông điệp “đã lái xe thì không uống rượu, bia”, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người dân, nhằm kéo giảm TNGT./.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế hoàn toàn Nghị định 46/2016/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Theo đó, người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở (mức cao nhất) sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Cùng với hành vi vi phạm như trên, nếu là người điều khiển xe môtô sẽ phải chịu mức xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng (trước đây chưa quy định xử phạt về nội dung này),... |
Lê Đức