Hỗ trợ bò
Các dự án chăn nuôi bò được triển khai giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ bò giống được hỗ trợ qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện của Heifer, nhiều hộ nghèo xã Đức Tân thoát nghèo bền vững, một số hộ vươn lên khá giả. Ông Đỗ Ngọc Ký, ngụ ấp Bình Lợi, chia sẻ: “Khi tham gia dự án, mỗi hộ nghèo được nhận bò giống lai Sind, sau 3 năm nuôi sẽ hoàn trả cho dự án 1 bò cái con trọng lượng tương đương với bò ban đầu. Bên cạnh đó, các hộ dân còn được dự án hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, làm chuồng. Sau khi trả con bò gốc được hỗ trợ, hiện tại, gia đình tôi còn 2 con bò cái. Trung bình mỗi năm, tôi xuất chuồng 1 con bò, trị giá trên 30 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo và có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn”.
Nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo từ dự án hỗ trợ chăn nuôi bò
Sau 10 năm triển khai, đến nay, dự án là “cần câu” cho hộ nghèo của địa phương. Hơn 160 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của xã được nhận bò giống từ Dự án Heifer đã có kinh tế gia đình ổn định hơn. Đa số hộ nuôi duy trì được 1 cặp bò mẹ. Một số hộ duy trì tổng đàn từ 8-11 con. Đặc biệt, gia đình ông Đỗ Văn Đúng, ngụ ấp Bình Hòa, luôn duy trì từ 10-13 con (bao gồm cả bò mẹ và bê giống). Chỉ sau 3 năm thực hiện dự án, gia đình ông Đúng đã thoát nghèo, trở thành điển hình tiên tiến của xã trong phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Tân - Nguyễn Hữu Khôi cho biết: Dự án hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Để dự án đạt hiệu quả như hiện nay phải kể đến sự nỗ lực của những người nghèo. Nhờ có đàn bò, năm 2018, xã chỉ còn 3,65% hộ nghèo. Dự án không chỉ cải thiện đời sống kinh tế cho người dân mà còn phát huy được tính tương trợ trong giúp nhau phát triển kinh tế của nông dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, địa phương tiếp tục chú trọng đầu tư nhân rộng đàn bò theo Dự án Heifer để các hộ nghèo của xã đều được
nhận bò, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tạo điều kiện vay vốn
Bên cạnh việc được hỗ trợ bò, hộ nghèo trên địa bàn xã còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Nguyễn Văn Hoa, ngụ ấp Bình Lợi, thuộc diện hộ nghèo, khi được hỗ trợ bò và vay vốn, ông nỗ lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Không những vậy, hiện ông Hoa còn làm Tổ trưởng Tổ Vay vốn ấp Bình Lợi với hơn 50 thành viên. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Hoa còn giúp đỡ rất nhiều hộ dân trong ấp tham gia tổ vay vốn có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, ngụ ấp Bình Lợi, không có vốn làm ăn. Năm 2017, thông qua Tổ Vay vốn ấp Bình Lợi, gia đình chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay vốn 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên cộng với số tiền dành dụm được, chị mạnh dạn đầu tư trồng thanh long trên 0,2ha đất lúa. Hiện thanh long của gia đình chị cho ra những đợt trái đầu tiên. Chị Huệ phấn khởi: “Nhờ có tổ vay vốn mà tôi tiếp cận được nguồn vốn vay để có điều kiện làm kinh tế. Hiện tôi chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc thanh long của các hộ đi trước; nghiên cứu cách phòng dịch bệnh cho cây thanh long đúng quy trình nên cây phát triển và cho trái tốt. Thời gian tới, tôi sẽ tích góp để sửa sang nhà cửa và trả vốn vay cho ngân hàng”.
Theo ông Nguyễn Hữu Khôi, thời gian qua, chính quyền địa phương và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi,... cho nông dân, đặc biệt là gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Thông qua các chương trình cho vay, các hộ nghèo có được số vốn để đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các hộ còn tích cực tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng giúp nhau kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo. Tính đến nay, Hội Nông dân xã bảo lãnh cho các hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã vay vốn với số tiền trên 7 tỉ đồng, tăng 2 tỉ đồng so với năm 2018./.
Huỳnh Phong