Xe biển xanh không có phù hiệu đại biểu “vô tư” trẩy hội Yên Tử - Ảnh tư liệu
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Trong khi đó, ông Trần Đức Thắng - cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho biết không phải chỉ khi kinh tế khó khăn mới siết các quy định về quản lý xe công, mà thực tế số lượng ôtô công của cả nước hiện nay quá lớn.
12.800 tỉ đồng/năm cho việc vận hành xe công
Hơn 40.000 xe công (chưa bao gồm xe của các đơn vị vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước) sẽ được rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-3-2016. Xe nào được mua sắm vượt định mức, vi phạm tiêu chuẩn sẽ bị thu hồi, điều chuyển hoặc bán đấu giá thu tiền cho ngân sách.
Đây là thông tin được ông Trần Đức Thắng cho biết tại cuộc họp báo về chính sách mới quản lý xe công vừa được Bộ Tài chính tổ chức. Theo ông Thắng, với số lượng xe công khá lớn này, mỗi năm ngân sách cũng chi thêm một khoản tiền khổng lồ để vận hành.
Cụ thể, với chi phí bình quân khoảng 320 triệu đồng/xe/năm (lương lái xe, bảo trì bảo dưỡng xe...), mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 12.800 tỉ đồng cho việc vận hành số xe này, số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn.
Điều đáng nói là Chính phủ quy định rất rõ chức danh nào thì được sử dụng xe có đơn giá bao nhiêu, nhưng nhiều năm qua vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức.
Ngay cả việc sử dụng xe công vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với một số người không đủ tiêu chuẩn cũng diễn ra phổ biến.
Cũng theo ông Thắng, quy định khoán sử dụng xe công đã có từ lâu nhưng đến nay chỉ có một số địa phương ban hành quy định đơn giá thuê ôtô công tác, nhưng cũng chỉ một vài đơn vị ở các địa phương này thực hiện.
Hàng loạt xe công đỗ trên lề, dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - Ảnh: N.Khánh
Mua xe vượt chuẩn
phải bồi thường
Để tránh lãng phí trong mua và sử dụng xe công, ông Thắng cho biết Bộ Tài chính đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định 32 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ôtô công, có hiệu lực từ ngày 21-9.
Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn trang bị xe cũng chỉ được sử dụng tối đa 1 - 2 xe phục vụ công tác chung.
“Nếu mỗi đơn vị chỉ 1 - 2 xe phục vụ công tác chung, số xe công sẽ giảm khoảng 7.000 xe, ngân sách tiết kiệm được khoảng 500 tỉ đồng tiền mua xe thay thế, chưa kể chi phí vận hành” - ông Thắng khẳng định.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát và điều chuyển số ôtô từ nơi thừa cho nơi chưa đủ định mức. Số xe còn dư thừa sau điều chuyển sẽ được Bộ Tài chính bán đấu giá để sung ngân sách.
Cũng theo quy chế mới, người ra quyết định mua sắm ôtô không đúng thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Đối với việc quản lý, sử dụng ôtô không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại và bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Ngoài ra, theo ông Thắng, quy định mới cũng nêu rõ hơn mức khoán kinh phí, được xác định theo tháng. Đơn giá là giá bình quân của một số hãng taxi trên địa bàn.
Chẳng hạn, nếu lãnh đạo tỉnh đi taxi hay xe riêng của người thân từ nơi ở đến nơi làm việc, thay vì sử dụng xe công, sẽ được chi trả tiền tương ứng với đơn giá taxi.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết quy định mới cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến khích chứ chưa thể bắt buộc các chức danh đủ điều kiện được sử dụng xe công nhận khoán kinh phí sử dụng được.
“Với những chế tài cụ thể này, tới đây người dân và truyền thông có thể tham gia giám sát. Khi phát hiện vi phạm có thể thông báo cho cơ quan chức năng để tiếp nhận, làm rõ và kịp thời xử lý” - ông Thắng nói.
* Tiết kiệm 30.000 tỉ đồng/năm nếu mua sắm
tài sản công tập trung Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung đối với những hàng hóa có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn, đồng thời giảm đầu mối mua sắm và chi phí tổ chức đấu thầu. Theo ông Thắng, mua sắm với số lượng lớn chắc chắn giá sẽ giảm. Chẳng hạn, thay vì phải trả 800 triệu đồng/xe, nếu mua số lượng lớn có thể thương lượng với nhà sản xuất với giá 720 triệu đồng/xe. Hơn nữa, qua năm năm (2008 - 2012) thí điểm mua sắm tập trung tại 23 bộ ngành, số tiền dự toán mua nhỏ hơn số chi thực tế 467 tỉ đồng. “Nếu triển khai tốt phương thức mua sắm tập trung, ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm mỗi năm, tương đương 30.000 tỉ đồng” - ông Trần Đức Thắng cho hay. L.TH. * Trung Quốc thu hồi hàng ngàn xe công Theo Nhật báo Trung Quốc, vào tháng 2-2015, TP Bắc Kinh đã mở phiên đấu giá đầu tiên 300 chiếc xe công vụ được thu hồi, đem về 20 triệu nhân dân tệ (hơn 3,1 triệu USD). Tháng 4-2015, TP Diên An (tỉnh Thiểm Tây) cũng cho biết đã bán đấu giá trực tuyến lô xe công 109 chiếc, với tổng giá trị 5,7 triệu nhân dân tệ (khoảng 898.000 USD). Trước đó tháng 11-2013, các cơ quan nhà nước Trung Quốc được lệnh cắt giảm mạnh xe công theo chủ trương chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo quy định, quan chức dưới cấp thứ trưởng sẽ được trợ cấp từ 500 - 1.300 nhân dân tệ (khoảng 80 - 204 USD)/tháng tiền đi xe công cộng thay vì sử dụng xe công vụ. Lộ trình thực hiện chiến dịch này có thể kéo dài đến năm 2016. Xe công chỉ được sử dụng trong các nhiệm vụ khẩn cấp, cho việc thực thi luật pháp và các dịch vụ công cộng cơ bản. Tính đến nay, Trung Quốc đã thu hồi gần 5.000 xe công, theo Nhật báo Trung Quốc, những địa phương thực hiện nghiêm ngặt quy định này là Bắc Kinh, Thiên Tân và các tỉnh phía nam như Quảng Đông, Chiết Giang, Vân Nam. Theo Ủy ban thanh tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cơ quan chính phủ đã cắt giảm 37% số xe công đang sử dụng. MỸ LOAN |
Lê Thanh/Tuổi Trẻ Online