Người dân được lấy máu xét nghiệm, tầm soát miễn phí viêm gan siêu vi B-C. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Hưởng ứng ngày Viêm gan Thế giới (28/7), ngày 28/7, Viện Nghiên cứu và Phát triển sức khỏe cộng đồng phối hợp Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, Liên minh Phòng chống viêm gan virus vì Việt Nam, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Gan khỏe-Sống vui và thực hiện xét nghiệm tầm soát miễn phí viêm gan siêu vi B-C cho 2.000 người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Có mặt để lấy máu xét nghiệm từ rất sớm, bà Ngô Thị Bê, 55 tuổi, sống ở phường 16, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà ít quan tâm đến việc xét nghiệm các bệnh về gan. Nhờ được địa phương giới thiệu, gia đình bà và 5 hộ gia đình khó khăn trong phường được đi xét nghiệm viêm gan miễn phí. Trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm, bà Bê còn được các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn thực hiện lối sống lành mạnh để hạn chế mắc các bệnh lý về gan, tim mạch…
Không chỉ người lớn tuổi, ngày hội Gan khỏe-Sống vui còn thu hút khá đông người trẻ tham gia. Bạn Lê Minh Hải, sinh viên năm thứ 3 - Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, biết đến Ngày hội Gan khỏe-Sống vui thông qua mạng xã hội và quyết định đến xét nghiệm tầm soát viêm gan B-C cho mình.
“Em mong muốn đến đây để được xét nghiệm và biết được tình trạng bệnh của mình bởi em nghe nói viêm gan B-C có thể lây lan, diễn tiến âm thầm và khá nguy hiểm, nhất là đối với giới trẻ,” Hải cho hay.
Theo bác sỹ Phan Thanh Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển sức khoẻ cộng đồng, đây là hoạt động hướng đến một mục tiêu vì sức khỏe nhân dân, chủ động đồng hành với ngành y tế đối mặt với thách thức lớn của đại dịch viêm gan. Hiện viêm gan C đã có thuốc trị dứt điểm, chỉ cần 3 tháng là không còn virus trong máu, nguy cơ xơ gan, ung thư gan cũng được giảm xuống.
Còn viêm gan B tuy chưa điều trị dứt điểm nhưng cũng có thể phòng ngừa được bằng vắcxin, chích ngừa đúng và đủ liều sẽ giúp giảm nguy cơ mắc viêm gan B. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để xét nghiệm, tầm soát phát hiện bệnh sớm là điều vô cùng quan trọng.
Hoan nghênh nỗ lực hỗ trợ cộng đồng nhận biết tình trạng nhiễm viêm gan siêu vi B-C của các đơn vị tổ chức, giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với khoảng 8 triệu người bị nhiễm viêm gan B và khoảng 1 triệu người bị nhiễm viêm gan C và viêm gan B-C là nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư gan tại Việt Nam thì đây chính là “kẻ sát nhân” thầm để lại hậu quả nặng nề cho cá nhân và xã hội.
Việc giúp 2.000 người dân có điều kiện kiểm tra tình hình nhiễm viêm gan B-C của mình, được tiếp cận và tư vấn, hướng dẫn điều trị trong bối cảnh bệnh viêm gan siêu vi B –C đang gia tăng trong cộng đồng là hết sức có ý nghĩa./.
The TTXVN