Lượng rác tồn đọng ngày càng nhiều. Ảnh: Ngọc Mận
Quá tải rác, ảnh hưởng môi trường
NMXLR Tâm Sinh Nghĩa bắt đầu hoạt động vào năm 2012, tiếp nhận từ việc đóng cửa bãi rác tại xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An và từ các địa phương khác trong tỉnh. Do đó, có lúc nhà máy không xử lý hết được rác nguyên liệu và trở nên quá tải. Từ đó đến nay, người dân xung quanh thường xuyên phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do lượng rác tồn đọng ngày càng tăng.
Vào thời điểm 2015 - 2016, lượng rác tiếp nhận vượt quá công suất, rác không được xử lý chất đống lộ thiên ngoài khuôn viên nhà máy gây mùi hôi thối, ảnh hưởng môi trường.
Vào tháng 5/2017, khi TP.HCM không tiếp nhận rác từ huyện Đức Hòa nên rác từ đây chuyển về NMXLR Tâm Sinh Nghĩa. Lượng rác tiếp nhận khoảng 350 tấn/ngày, có lúc lên đến 400 tấn/ngày. Trong khi đó, công suất xử lý chỉ có 130 tấn/ngày, có lúc tồn đọng trên 55.000 tấn, rác trong 4 kho quá tải phải chất đống bên ngoài. Lượng rác lộ thiên ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường, nước thải tràn ra kênh, rạch.
Ông Nguyễn Văn Ba, ngụ ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa phản ánh: “Phía sau NMXLR Tâm Sinh Nghĩa có nhiều hộ dân sinh sống. Vào mùa mưa, nước ngấm vào rác rồi rò rỉ xuống kênh, rạch, gây ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, rác tồn đọng gây mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân".
Cần nâng công suất xử lý rác
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đánh giá và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của NMXLR Tâm Sinh Nghĩa. Trong đó, sở phê duyệt xây dựng thêm lò đốt công suất xử lý 130 tấn/ngày, 2 lò đốt đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, nâng tổng công suất xử lý rác đạt 260 tấn/ngày.
Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tại ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa. Ảnh: Minh Đăng
Theo báo cáo của nhà máy, lượng rác tiếp nhận từ tháng 5 đến cuối năm 2017 là khoảng 350 tấn/ngày. Từ tháng 01/2018 đến tháng 8/2018 là 250 tấn/ngày. Từ ngày 03/9/2018 đến nay là khoảng 230 tấn/ngày vì rác từ huyện Bến Lức được bãi rác Đa Phước (TP.HCM) tiếp nhận một phần để xử lý. Rác từ huyện Đức Hòa cũng được chuyển về TP.HCM, chỉ còn một phần nhỏ dọc tuyến Quốc lộ N2 (khoảng 6 tấn/ngày) chuyển về Tân Đông.
Theo báo cáo của nhà máy, với lượng rác tiếp nhận khoảng 230 tấn/ngày và công suất 2 lò đốt 260 tấn/ngày thì nhà máy sẽ bảo đảm bảo việc xử lý, giảm dần rác lộ thiên.
Hiện nay đang vào mùa mưa nên khi có gió, bãi rác lộ thiên vẫn gây mùi hôi cho người dân khu vực, người đi đường cũng như khách tham quan tại Lâm viên Thanh niên, nhất là vào buổi chiều. Ngoài ra, ruồi nhặng phát sinh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông - Huỳnh Nông Nghiệp cho biết: “Đến thời điểm này, theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, trên 10 hộ dân sinh sống phía sau nhà máy chịu ảnh hưởng khá nặng. Đặc biệt, một số kênh nội đồng như kênh 1, kênh 3, kênh 19 đều chảy ra kênh La Khoa bị ảnh hưởng nước rò rỉ từ nhà máy. UBND xã kiến nghị ngành chức năng và lãnh đạo nhà máy thường xuyên quan tâm, có sự hỗ trợ cho các hộ dân chịu ảnh hưởng từ nhà máy".
Theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng, lượng rác tồn đọng tại nhà máy khoảng 40.000 tấn, gồm rác chứa trong 4 kho (khoảng 21.000 tấn), tập kết ngoài trời (khoảng 17.000 -18.000 tấn). Tuy có che phủ bạt nhưng một số bị hư hỏng, gió bay gây mùi hôi. Ngoài ra, nước mưa ngấm vào và rỏ rỉ ra kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Đại diện Phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đoàn kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu nhà máy che bạt kín, không cho nước mưa ngấm vào. Trước khi xả thải ra ngoài, nước rò rỉ từ bãi rác phải được xử lý vì nhà máy có hệ thống xử lý nước thải, công suất 100 m3/ngày. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu nhà máy duy trì sự hoạt động liên tục của 2 lò đốt nhằm giảm thiểu lượng rác tồn đọng, cho công nhân phun, xịt thuốc khử mùi và diệt ruồi để hạn chế ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn thanh tra, kiểm tra đột xuất nhà máy. Nếu có vi phạm về bảo vệ môi trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
NMXLR Tâm Sinh Nghĩa đang đầu tư công nghệ, lắp đặt hệ thống dây chuyền xử lý rác, ủ và chế biến phân bón hữu cơ, hiện đã có đầu ra. Dự kiến, công suất ủ phân từ 100 -150 tấn/đợt, có thể tái chế và sử dụng làm phân bón trên 60% lượng rác đến nhà máy. Ngoài ra, nhà máy tiếp tục trồng thêm cây xanh che chắn (hiện trồng được 5ha) để hạn chế ô nhiễm và tạo cảnh quan xanh, sạch./.
|
Minh Đăng