Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao
Tại phiên họp tháng 7/2019, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - Võ Ngọc Đỉnh thông tin, hầu hết chỉ tiêu KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 39.679 tỉ đồng (theo giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng 9,89%. Trong đó, khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp) tăng 2,17%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 14,65%; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 7,5%.
6 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh
Một trong những điểm khởi sắc là lĩnh vực nông nghiệp. So cùng kỳ năm 2018, mức tăng trưởng trên lĩnh vực này thấp hơn nhưng 6 tháng qua mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch năm. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi sang các loại cây hiệu quả hơn, nhất là một số diện tích từ trồng lúa, mía sang chanh, thanh long,... Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, sản lượng tăng. Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 2.755ha tôm nước lợ, đạt 41,7% kế hoạch, tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó thu hoạch 2.589ha, năng suất bình quân ước 2,2 tấn/ha, sản lượng 5.773 tấn, đạt 50,2% kế hoạch, tăng 34,5% so cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 77 xã, chiếm 46,3% tổng số xã toàn tỉnh.
Trên lĩnh vực công nghiệp, xây dựng duy trì phát triển ổn định. Các chỉ số về công nghiệp tăng khá so cùng kỳ. Phần lớn các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,12% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 114.181,1 tỉ đồng, đạt 46,4% kế hoạch, tăng 15,2% (cùng kỳ tăng 16,4%). Số lượng các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng khá cao.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, khởi nghiệp. 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp và vốn đăng ký thành lập mới tăng so cùng kỳ, dự án đầu tư trong nước tăng về số lượng dự án và số vốn đăng ký. Tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 115 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 10.949 tỉ đồng, tăng 49 dự án và tăng 4.949 tỉ đồng về vốn so cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài cũng tăng khá, có 58 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký 208,6 triệu USD. Tổng dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh là 978, vốn đăng ký 6.148 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, chiếm 58,9% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.614 triệu USD, đạt 58,8% tổng vốn đăng ký.
Nhờ những nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư của địa phương và sự hỗ trợ của lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành liên quan, đến nay, một số nhà đầu tư lớn đang lập các thủ tục đầu tư tại tỉnh Long An như Tập đoàn Becamex IDC - VSIP, Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Ecoland, Công ty CP Tập đoàn BRG, Công ty TNHH Hoàn Cầu Việt Nam,... Hiện tỉnh đồng hành cùng nhà đầu tư, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý vì mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài, bền vững, môi trường sống mới văn minh, hiện đại. Ngoài ra, một số dự án đầu tư lớn khác, UBND tỉnh có văn bản ghi nhận và thực hiện các thủ tục cần thiết để tiếp nhận. Tình hình thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp (K,CCN) tiếp tục có bước khởi sắc. Hiện Sở KH&ĐT, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công Thương tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các thủ tục pháp lý để từ nay đến cuối năm 2019 có ít nhất 6 K,CCN đi vào hoạt động.
6 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng qua đạt 9.430 tỉ đồng, đạt 68,9% dự toán Trung ương, đạt 68,6% dự toán HĐND tỉnh giao, đạt 64,9% dự toán phấn đấu và tăng 28,7% so cùng kỳ.
Còn những khó khăn, hạn chế nhất định
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, giải phóng mặt bằng được tỉnh xác định là công tác trọng tâm, đột phá trong năm 2019 nhưng kết quả chưa như mong muốn. Một số công trình xây dựng cơ bản, dự án thuộc các K,CCN tại một số địa phương: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, TP.Tân An,... còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư lớn chậm thực hiện thủ tục về quy hoạch; công trình Đường Vành đai TP.Tân An và Trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang tiến độ chậm so với kế hoạch. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị, kiểm soát ô nhiễm môi trường được đánh giá chưa thật sự tốt, nhất là ở các địa bàn đô thị, khu dân cư, các K,CCN, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Thời điểm này, dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền đề nghị, các địa phương chủ động vật tư, trang thiết bị để phòng, chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Người dân không nên tăng đàn, tránh gây áp lực cho việc phòng, chống dịch bệnh.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, kinh tế của tỉnh 6 tháng qua duy trì phát triển, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao do sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 9,6%, lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo sự chuyển biến đồng bộ trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, công tác thanh tra chuyên ngành phải được tăng cường hơn nữa nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề sai phạm; chủ động phối hợp rà soát, đề xuất xử lý dự án đầu tư chậm, không thực hiện; quyết liệt trong việc quản lý, xử lý đối với các dự án không phép. Sở KH&ĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp các ngành chức năng liên quan, địa phương rà soát các dự án đầu tư hạ tầng K,CCN, dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng.
Đại biểu dự phiên họp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi; tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kế hoạch; xây dựng các hợp tác xã điểm; quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ nước sạch trên địa bàn tỉnh, năm 2019 đạt ít nhất 40%.
Các sở, ngành khác theo dõi, kiểm tra các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các trục giao thông đã có chủ trương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là công trình giao thông trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển KT-XH; kiểm tra, xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn; tích cực điều hành dự toán ngân sách nhà nước, thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu của năm 2019./.
"Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 9,6%, lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tạo sự chuyển biến đồng bộ trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, công tác thanh tra chuyên ngành phải được tăng cường hơn nữa nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề sai phạm; chủ động phối hợp rà soát, đề xuất xử lý dự án đầu tư chậm, không thực hiện; quyết liệt trong việc quản lý, xử lý đối với các dự án không phép”.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần
|
Mai Hương