Tiếng Việt | English

03/09/2020 - 15:28

Ăn chay thanh tịnh, nuôi dưỡng lòng từ

Ăn chay vì niềm tin tâm linh hay để chung tay sống xanh, bảo vệ môi trường, sống khỏe… đều tốt. Nhưng ăn chay như thế nào để mỗi bữa ăn thật lành, lành từ ý niệm đến thực phẩm là việc mỗi người cần suy nghĩ.

Xu hướng ăn chay sống xanh, sống khỏe lan tỏa trong nếp sống người hiện đại. Ảnh: L.Đ.L.

Xu hướng ăn chay sống xanh, sống khỏe lan tỏa trong nếp sống người hiện đại. Ảnh: L.Đ.L.

Cách đây 20 năm, tôi và má phát nguyện ăn chay trường, cũng vào dịp Vu lan thế này. Khi đó, việc quyết định này diễn ra nhanh chóng, vì lòng thương ngoại, bà đang bị bệnh nặng…

Má và tôi bàn "sẽ ăn chay để cầu nguyện cho bà tiêu tai bệnh tật hoặc nếu không thể thì hồi hướng cho bà được ra đi an lành".

Nhắc mình giảm bớt tham - sân - si

Niềm tin ăn chay khi người thân bị bệnh hoặc chết để "gửi" tới họ năng lượng tích cực từ việc làm ấy có trong Phật giáo Bắc truyền.

Niềm tin đó xem việc ăn chay chính là "tu", bắt đầu ở chỗ ăn uống: không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật, qua đó nuôi dưỡng lòng từ bi.

Sâu xa hơn, việc ăn chay cũng là để nhắc mình, đã "tu" trong việc ăn uống vậy rồi còn nổi sân si hay tham lam làm chi nữa, để gây ra những chuyện không hay, không đẹp, tổn người hại mình.

Như vậy, ăn chay là một phương tiện để kiềm giữ lòng mình giảm bớt tham - sân - si, chứ không chỉ dừng lại ở chỗ ăn rồi thôi.

Có lẽ vì vậy mà có nhiều lúc, những người ăn chay đã bị "nhắc nhở" bằng một lời chê rằng: "Ăn chay mà vậy (với những tính xấu, việc làm không tốt bộc lộ được kể ra) thì thà không ăn còn hơn".

Nếu nhìn ở phương diện ăn chay như phương tiện răn nhắc thì lời nhận xét hay bình luận đó giúp cho người thực tập giật mình, dừng lại những tâm ý, hành động không tốt khi mình đang ăn chay.

Để lòng thanh đạm

Thực sự, trong văn hóa tâm linh của người Việt, ăn chay được xem là làm việc lành tốt.

Ngày nay, nhiều người chọn ăn chay còn là vì yếu tố sức khỏe, hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường, sống xanh (nhiều nhà khoa học chứng minh việc sản xuất thực phẩm từ thực vật không gây ô nhiễm bằng sản xuất thực phẩm từ động vật).

Xu hướng ăn chay sống xanh, sống khỏe lan tỏa trong nếp sống người hiện đại. So với mười năm trước, ở Sài Gòn bây giờ, thực khách kiếm quán chay khá dễ dàng, quán cũng đa dạng mức giá và cả chủng loại món ăn. Khi việc ăn chay ngày càng phổ biến, những nhà sản xuất thực phẩm chay cũng cung ứng nhiều sản phẩm có sẵn, đồ hộp….

Nhưng hơn hết, để món chay thanh đạm thực sự và để lòng mình thực sự thanh đạm khi ăn chay, tôi nghĩ chúng ta nên ăn những món giản đơn, gần gũi thiên nhiên, chế biến từ rau củ, không cần phải đặt tên như món mặn hoặc làm cho giống món mặn.

Ăn chay vì niềm tin tâm linh hay để chung tay sống xanh, bảo vệ môi trường, sống khỏe…đều tốt. Nhưng ăn chay như thế nào để mỗi bữa ăn thật lành, lành từ ý niệm đến thực phẩm là việc mỗi người cần suy nghĩ, cân nhắc./.

Thực phẩm chay giả mặn, có nên?

Thực tế, có quá nhiều món ăn chay nhưng lại được gọi tên "mặn" như bò lá lốt, gà xé phay, pate… dù nguyên liệu từ rau củ, nấm.

Đó là những món chay "giả mặn", có thể vì món đó được bắt chước như cách chế biến món ăn từ động vật hoặc gọi vậy để "đánh lừa" cảm giác của những người mới tập tành ăn chay.

Có nhiều quan điểm về điều này nhưng đa phần là không ủng hộ tên gọi món chay một cách "mặn" như thế.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết