Tiếng Việt | English

07/03/2019 - 13:59

Anh tìm cách thay thế điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3, song đến nay vẫn chưa có thỏa thuận "ra đi" nào sau khi các nghị sỹ Anh bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit mà bà May đã nhất trí với lãnh đạo EU

Quốc kỳ Anh (phía trên) và cờ Liên minh châu Âu (EU) phía dưới bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Anh đang thúc đẩy các kế hoạch tìm các giải pháp thay thế nhằm xóa bỏ điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Đây là một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình thông qua thỏa thuận Brexit tại Anh khi chỉ còn vài tuần nữa nước này sẽ rời Liên minh châu Âu (EU).

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3, song đến nay vẫn chưa có thỏa thuận "ra đi" nào sau khi các nghị sỹ Anh bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit mà bà May đã nhất trí với lãnh đạo EU cuối năm 2018.

Lý do là điều khoản "rào chắn" về biên giới với Ireland, tức một chính sách đảm bảo không xuất hiện đường biên giới cứng giữa tỉnh Bắc Ireland (thuộc Anh) với nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU) sau Brexit.

Các nghị sỹ Anh muốn những thay đổi có tính ràng buộc pháp lý đối với thỏa thuận của bà May để đảm bảo rằng điều khoản này sẽ không tồn tại vĩnh viễn, nhưng cuộc đàm phán ngày 06/3 ở Brussels (Bỉ) giữa Anh và EU vẫn chưa đạt tiến triển và chưa có giải pháp nào trước mắt.

Những người chủ trương Brexit lẫn những người ủng hộ EU trong đảng Bảo thủ của bà May đều thúc đẩy một đề xuất nhằm tìm các giải pháp thay thế điều khoản "rào chắn."

Bộ phụ trách vấn đề Brexit của Anh cho biết sẽ thành lập 3 nhóm cố vấn, trong một nỗ lực chung giữa Anh-EU nhằm giải quyết vấn đề này.

Người phát ngôn bộ trên cho biết: "Đây là sự ủng hộ rõ ràng cho việc tìm kiếm các thỏa thuận thay thế để đảm bảo không có đường biên giới cứng trên đảo Ireland."

Một nhóm cố vấn sẽ gồm các chuyên gia kỹ thuật về thương mại và hải quan, đảm trách việc nghiên cứu sử dụng các hệ thống IT và "công nghệ tiên tiến nhất." Nhóm thứ hai gồm các doanh nhân và nghiệp đoàn thương mại. Nhóm thứ ba gồm các nghị sỹ.

Việc tìm các giải pháp thay thế là một yêu cầu đặc biệt của các nghị sỹ hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ, vốn kịch liệt phản đối thỏa thuận Brexit, nhưng gợi ý rằng có thể đồng ý với một thỏa thuận sửa đổi nếu điều khoản "rào chắn" chỉ mang tính tạm thời, hoặc Anh có thể đơn phương chấm dứt hiệu lực của điều khoản này.

Hiện Thủ tướng Anh đang nỗ lực để đưa thỏa thuận sửa đổi ra hạ viện xem xét bỏ phiếu trước ngày 12/3 tới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết