Tiếng Việt | English

14/03/2017 - 10:06

Ba Lan khẳng định không rời bỏ EU

Chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền ở Ba Lan Jaroslaw Kaczynski khẳng định, không có chuyện nước này rời bỏ Liên minh châu Âu.

Ngày 13/3, Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền tại Ba Lan đã lên tiếng khẳng định Ba Lan không muốn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) sau phát ngôn gây chia rẽ của một ứng cử viên cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Ba Lan khẳng định không có ý định rời bỏ EU. (Ảnh minh họa: eucenterillinois)
Nhật báo Cộng hòa của Ba Lan ngày 13/3 trích đăng trả lời phỏng vấn báo chí của bà Marine Le Pen, ứng của viên của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới nói rằng, nếu bà thắng cử, bà sẵn sàng hợp tác với chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền ở Ba Lan, ông Jaroslaw Kaczynski, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban để “chia rẽ” Liên minh châu Âu.

Ngay lập tức, ông Kaczynski khẳng định không có chuyện Ba Lan sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu và bất cứ ai có phát ngôn như vậy đều cố ý thao túng và làm dư luận hiểu lầm. Ông nhấn mạnh, bản thân ông và đảng cầm quyền hiện nay không có mối liên hệ với Đảng cực hữu của Pháp nói trên.

Mặc dù vậy ông Kaczynski cũng phản đối thực hiện ý tưởng "một châu Âu-hai tốc độ" của các nước Tây Âu, đồng thời cảnh báo đề xuất này chỉ gây chia rẽ thêm nội bộ của Liên minh châu Âu, có thể dẫn tới sự sụp đổ của khối.

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo cũng nói rằng, bản thân bà không ủng hộ kế hoạch này bởi theo bà nó sớm muộn cũng sẽ dẫn tới sự tan rã của khối.

Trong một diễn biến khác, các công tố viên Ba Lan đã quyết đinh triệu tập Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tới một cuộc điều trần về một thỏa thuận bí mật giữa hai cơ quan tình báo của Ba Lan và Nga dưới thời ông còn là thủ tướng Ba Lan.

Theo báo chí Ba Lan, Cơ quan phản gián quân đội Ba Lan (SKW) được cho là đã hợp tác với Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) mà không được phép của Thủ tướng. Các cuộc điều tra nhằm vào hợp tác giữa hai bên, trong đó có trao đổi thông tin ngay sau vụ máy bay Ba Lan rơi tại Smolensk, miền Tây nước Nga năm 2010 làm Tổng thống Ba Lan và nhiều quan chức cao cấp quân đội và chính phủ thiệt mạng.

Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền tại Ba Lan từng cáo buộc chính phủ lúc đó của ông Donald Tusk có trách nhiệm trong vụ máy bay rơi nói trên. Tuy nhiên, theo quyết định triệu tập, ông Tusk đến buổi điều trần ngày 15/3 với tư cách là một nhân chứng.

Chưa rõ ông Tusk có sẵn sàng tham dự buổi điều trần nói trên hay không, nhưng phát ngôn viên của ông nói rằng, vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã có lịch làm việc vào ngày mai (15/3)./.

Hữu Bình/VOV-Praha 

Chia sẻ bài viết