Chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh
Hiện nay, mạng lưới YTCS không ổn định về tổ chức, nguồn nhân lực; cơ sở vật chất nhiều nơi xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu và không đồng bộ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế, chưa tạo được niềm tin của người dân. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh tự vượt tuyến điều trị.
Phòng trực của nhân viên y tế Phòng khám đa khoa khu vực Huỳnh Việt Thanh
Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng chia sẻ: “Vợ tôi bị cao huyết áp, định kỳ 2 hoặc 3 tuần phải đến khám và điều trị tại bệnh viện huyện. Tôi mong sao, trạm y tế (TYT) xã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, có đủ bác sĩ hoặc định kỳ có bác sĩ chuyên khoa xuống khám thì hay quá!”.
Tuy Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia được triển khai rộng khắp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu KCB của người dân. Hiện, toàn tỉnh có 127/192 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. TYT xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước là 1 trong 4 trạm được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đầu tiên của tỉnh.
Trưởng TYT xã Mỹ Lệ - bác sĩ Nguyễn Văn Tầm chia sẻ: “Trạm được công nhận đạt bộ tiêu chí vào năm 2013. Hiện, trạm có đầy đủ 13 phòng chức năng và các trang thiết bị: Máy đo điện tim, máy đo đường huyết,... Tuy nhiên, số lượt BN đến khám so với trước vẫn không tăng - bình quân mỗi ngày khoảng 50 lượt BN đến khám và điều trị bệnh”.
Hay TYT xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, đạt bộ tiêu chí vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, số lượt BN đến khám vẫn không nhiều so với thời điểm chưa đạt - bình quân mỗi ngày có khoảng 60 lượt BN đến KCB, chủ yếu là các bệnh thông thường như cảm, ho, sốt, đau dạ dày,... Chức năng chính của TYT là thực hiện Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia.
Vì sao y tế cơ sở chưa phát huy hết công năng
Qua các đợt cùng theo đoàn lãnh đạo Sở Y tế khảo sát các TYT tại 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, được biết, các TYT được đầu tư xây dựng mới cùng trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm thì cán bộ y tế chưa được đào tạo sử dụng nên chưa phát huy hết hiệu quả, gây lãng phí lớn.
Mặt khác, gần 50 TYT, tổng số lượt BN đến khám bệnh bình quân mỗi tháng chỉ khoảng 15 lượt/trạm, gây lãng phí kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực. Bác sĩ tại các trạm này không có điều kiện phát huy năng lực chuyên môn.
Trạm Y tế Hưng Điền B thu hút bệnh nhân đông nhưng thiếu trang thiết bị y tế và kết cấu hạ tầng xuống cấp
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tân Thạnh - bác sĩ Ngô Khắc Tâm nhận định: Hầu hết TYT chưa phát huy hết công năng. Đặc biệt, phòng sanh và kế hoạch hóa gia đình gần như bỏ trống. Nữ hộ sinh chỉ làm công tác quản lý thai sản, vì hầu hết các TYT luôn trong tình trạng không có người đến sinh.
YTCS dù được đầu tư trang thiết bị như máy siêu âm, máy đo điện tim nhưng cán bộ y tế lại không sử dụng, chỉ hỏi qua loa rồi kê toa thuốc, vừa gây lãng phí trang thiết bị y tế, vừa không tạo được niềm tin cho người dân. Chức năng các TYT chỉ KCB thông thường và thực hiện Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia.
Tuy nhiên, công việc ngày càng nhiều nhưng nguồn nhân lực ít, mỗi nhân viên y tế vừa thực hiện KCB, vừa phải đảm nhận từ 5-6 chương trình nên hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân khiến YTCS chưa thu hút BN là do đầu tư dàn trải, chưa hợp lý, nguồn nhân lực chưa tập trung đúng nơi.
Bà Lê Thị Ngọc Nguyệt, ngụ ấp 1, xã Hậu Thạnh Đông cho rằng: “Nơi nào có đông đội ngũ y, bác sĩ, đầy đủ trang thiết bị y tế và thái độ phục vụ tốt thì nơi ấy thu hút BN. Các TYT dù được xây dựng khang trang nhưng chỉ có 1 BS phục vụ và trang thiết bị y tế hạn chế nên chúng tôi không an tâm đến KCB”.
Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Huỳnh Việt Thanh, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh - bác sĩ Ngô Đức Hạnh thông tin: Phòng khám được thành lập từ năm 1982, hiện có 29 nhân viên y tế, trong đó có 3 bác sĩ; có khu khám bệnh ngoại trú, nội trú, phòng nha, phòng xét nghiệm, khu sản và kế hoạch hóa gia đình. Số giường bệnh được phân bổ là 25 giường, trong đó, thực kê chỉ 17 giường. Ngoài điều trị các bệnh thông thường, phòng khám thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng: Siêu âm, chụp X-quang, điện tim, huyết học, sinh hóa, test nhanh đường huyết,...
Mỗi ngày, phòng khám thu hút 150 lượt BN đến KCB, trong đó có khoảng 50% là người cao tuổi và trẻ em. Mỗi tháng, chúng tôi thực hiện cấp cứu bình quân 200 lượt BN do tai nạn lao động, ngộ độc thuốc trừ sâu, viêm phổi, tiêu chảy, tai nạn sinh hoạt; hàng tháng, có từ 80-90 lượt người đến khám phụ khoa để kiểm tra sức khỏe và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Mỗi tháng có 7-8 thai phụ sinh thường tại phòng khám.
Tuy nhiên, hiện phòng khám xuống cấp trầm trọng. Do xây dựng dần từng khu nên quy mô không đúng quy định của Bộ Y tế. Mặt nền các phòng chức năng đều lún, tường nứt,... Trang thiết bị y tế hầu hết là máy đã qua sử dụng của Trung tâm Y tế Tân Thạnh chuyển về nên lạc hậu, phải sửa chữa nhiều. Đặc biệt, chất thải lỏng y tế chưa có hố xử lý, lò hủy chất thải rắn là loại lò hủy thô sơ, không bảo đảm vệ sinh. Mong rằng, cấp trên sớm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế xứng tầm với phòng khám khu vực để đáp ứng nhu cầu KCB của người dân trong và ngoài xã”.
TYT Hưng Điền B có 2 bác sĩ. Dù xuống cấp nhưng BN tại địa phương và các xã lân cận đến điều trị bệnh rất đông. Mỗi ngày, trạm thu hút 100-110 lượt BN đến KCB. Tuy nhiên, do trạm xuống cấp, trang thiết bị y tế chỉ có chiếc ống nghe và dụng cụ đo huyết áp nên trạm chỉ điều trị các bệnh thông thường!
Chất lượng KCB, chất lượng phục vụ chính là giải pháp thu hút người bệnh. Nhưng nếu không đầu tư đúng chỗ vừa gây lãng phí, không phát huy hết công năng của các TYT, vừa không đáp ứng yêu cầu KCB của người dân, dẫn đến tình trạng vượt tuyến ngày càng nhiều. Thế nên, cần tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng nơi có đông BN đến khám; ngược lại, các TYT khác chỉ cần tập trung cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia.
Hiện, số lượng bệnh nhân đến KCB tại tuyến xã chiếm 55-60% tổng số lượt KCB chung của toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 192/192 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ. Trong đó, có 148/192 trạm y tế có bác sĩ làm việc trực tiếp tại trạm; 44/192 trạm y tế xã, bác sĩ được điều động tăng cường từ các trung tâm y tế huyện. |
Ngọc Mận