Tiếng Việt | English

13/07/2017 - 09:51

Liên kết tiêu thụ nông sản - Chìa khóa vàng mở rộng cánh cửa hẹp

Bài cuối: Giải pháp để liên kết tiêu thụ nông sản hiệu quả

Mục tiêu chính trong liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản là tạo mối liên kết bền vững thông qua các hợp đồng kinh tế để tiến hành sản xuất chuyên môn hóa nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của từng vùng liên kết, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập của các bên liên kết. Trước những khó khăn, bất cập đã và đang diễn ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương.

Tạo mối liên kết bền vững

Một trong những khó khăn của nông dân (ND) là khâu sơ chế và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Thực tế, rất ít được doanh nghiệp (DN) hỗ trợ khâu này nên ND thường chỉ bán sản phẩm thô cho thương lái. Để bảo đảm quyền lợi cho ND, thời gian qua, ngành nông nghiệp, các địa phương khuyến khích liên kết theo hợp đồng quan hệ mua bán chính thức được thiết lập giữa các bên với nhiều hình thức: Hợp đồng từ đầu mùa vụ, hợp đồng mua bán theo từng thời điểm, hợp đồng bao tiêu sản phẩm  ký kết với DN,...

Rất ít doanh nghiệp hỗ trợ nông dân khâu sơ chế và bảo quản nông sản

Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất và liên kết tiêu thụ dưới các hình thức trên chưa bền vững, do biện pháp chế tài không đủ mạnh, một số chính sách chậm cụ thể hóa, nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc cho DN cũng như người sản xuất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Phan Văn Liêm cho biết: "Để liên kết sản xuất đạt hiệu quả thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng các mối liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, có sức cạnh tranh, hay như việc kêu gọi đầu tư, ký kết các hợp đồng cung ứng sản phẩm đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra giữa người sản xuất với DN thì bản thân từng hộ ND khó có thể làm được, đòi hỏi phải có sự hợp tác liên kết, cần quy về một đầu mối chung. Để thực hiện được các nội dung này thì hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại là các đối tượng thực hiện hiệu quả nhất. Thời gian tới, ngành tập trung củng cố, xây dựng, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, hiệu quả, an toàn, bảo đảm môi trường bền vững”.

Đâu là giải pháp

Thực tế liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa DN-ND, qua tổ hợp tác, hợp tác xã còn lỏng lẻo, chưa bảo đảm lợi ích và trách nhiệm của các bên, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Để liên kết sản xuất đạt hiệu quả thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Hòa - Lê Minh Thái cho biết: "Để tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, đòi hỏi các ngành chức năng hỗ trợ ND, DN với sự đa dạng hóa hình thức liên kết, bên cạnh thực hiện liên kết thông qua hợp đồng từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thì cần phát triển thêm hình thức liên kết ngang giữa ND với ND, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung,...".

Ngoài ra, để tạo mối liên kết bền vững, giải pháp đưa ra là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các đơn vị liên quan. Đối với chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước, không gì hơn là phải tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để ND và DN thấy được lợi ích của việc liên kết, từ đó có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung cam kết trong hợp đồng. Riêng phía DN, cần có kế hoạch cụ thể về nhu cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm đúng đơn đặt hàng, tạo uy tín cao đối với ND; phối hợp cơ quan chức năng hướng dẫn hộ sản xuất đúng quy trình kỹ thuật và chất lượng hàng hóa./.

Song Hồng - Hải Phong

Chia sẻ bài viết