Tiếng Việt | English

02/07/2021 - 09:19

Bán “lúa non” tại nhiều dự án bất động sản

Cùng với quá trình phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hạ tầng giao thông, những năm qua, thị trường bất động sản (BĐS) tại các địa bàn: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc rất sôi động. Thế nhưng, trong lĩnh vực này cũng xảy ra nhiều vi phạm, nhất là việc doanh nghiệp bán “lúa non” huy động vốn khi chưa được phép, dẫn đến phát sinh tranh chấp, tố cáo, khiếu kiện.

Bảng thông báo do chính quyền địa phương cắm để cảnh báo người dân cẩn trọng với dự án chưa đủ pháp lý

Bảng thông báo do chính quyền địa phương cắm để cảnh báo người dân cẩn trọng với dự án chưa đủ pháp lý

Vô tư huy động vốn khi dự án chưa đủ pháp lý

Thời gian qua, tình trạng các dự án (DA) BĐS chưa đủ điều kiện pháp lý kinh doanh nhưng quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng, các sàn giao dịch rất nhiều. Thậm chí có những trường hợp chưa xong thủ tục đất đai, còn đất lúa, chưa san lấp mặt bằng nhưng đã nhận cọc của khách hàng. Gần đây, từ thông báo rao bán trên sàn giao dịch, chúng tôi liên hệ theo số điện thoại công khai trên đó để tìm hiểu một số DA thì bên kia giới thiệu nhân viên kinh doanh bất động sản tên T.

Dù những DA này chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng nhân viên T. vẫn khẳng định “DA đã được bán ra, nếu khách hàng chậm trễ sẽ không còn sản phẩm F0”. Theo nhân viên giới thiệu, giá bán tùy theo vị trí. Để thu hút khách hàng, nhân viên luôn giới thiệu về những ưu thế, tiềm năng, vị trí của DA, nếu mua xây nhà ở thì tuyệt vời, còn mua để kinh doanh thì chắc chắn quý khách sẽ sinh lời cao.

“DA đã có chủ trương đầu tư, có phê duyệt 1/500 rồi thì quý khách cứ yên tâm. Còn một số thủ tục pháp lý khác chưa hoàn thiện, hạ tầng chưa hoàn chỉnh nhưng mua nền, khách hàng có thể trả trong 3 đợt và bảo đảm thời gian từ khi giao dịch đến khi quý khách được cấp giấy đất là rất nhanh” - nhân viên T. nói.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà cho biết: “Thời gian qua, Sở thanh, kiểm tra nhiều DA BĐS, nhất là ở các địa bàn giáp TP.HCM. Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm của chủ đầu tư như xây dựng hạ tầng khi chưa có giấy phép; quảng cáo, rao bán, nhận tiền cọc lô nền cho khách hàng để huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý,...”.

Thông tin từ Công an tỉnh, ở một số DA BĐS đã xảy ra khiếu nại, tố cáo, tụ tập đông người ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Như trong năm 2019 và 2020, cơ quan chức năng ở tỉnh nhận được nhiều đơn, thư tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng chục tỉ đồng liên quan đến DA BĐS. Qua tìm hiểu được biết, cách đây ít tháng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 2 vụ việc để điều tra, làm rõ.

Ngoài nhiều vi phạm bán “lúa non” thì trường hợp vẽ DA “ma” BĐS để lừa đảo không còn là hiện tượng lạ vì đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đó chính là những bài học, cảnh báo rất cụ thể nhưng trong thực tế, vẫn có nhiều người mắc bẫy, dẫn đến tố cáo, khiếu kiện. Vừa qua, có đối tượng lập khống các DA “ma” tại địa bàn tỉnh bán cho khách hàng.

Cụ thể, trong năm 2017 và 2018, nhiều người đã mua các nền đất tại các DA Eco Garden, Eco Garden 3 và Eco Garden 5 ở huyện Cần Đước và Bến Lức do Công ty Phú An Thịnh Land có trụ sở trên đường Vành Đai Trong, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM làm chủ đầu tư. Trớ trêu thay, khách hàng đã mắc bẫy, bởi đó là những DA “ma” không có thật do Ngô Minh Khâm (38 tuổi) quê Cà Mau, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Thịnh Land, vẽ ra.

Sau khi tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của người dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiến hành điều tra và xác định, Khâm đã lừa đảo gần 90 khách hàng mua các lô nền DA “ma” tự vẽ ra ở TP.HCM và Long An, chiếm đoạt số tiền gần 67 tỉ đồng. Gần đây, cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố Khâm về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Phải công khai, báo cáo tiến độ dự án

Những năm qua, các cấp, các ngành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các DA kinh doanh BĐS và xử lý nhiều vi phạm. Thế nhưng, hiện vẫn có nhiều phản ánh bức xúc. Ngoài những vi phạm bán “lúa non” như trên, có một số chủ đầu tư và người môi giới BĐS lợi dụng các yếu tố chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật để tung tin đồn thổi. Từ đó, mua đi - bán lại BĐS, lôi kéo nhiều người theo tâm lý đám đông tham gia mua đất nền và nhà ở chưa bảo đảm điều kiện pháp lý nhằm đẩy giá lên cao để thu lợi bất chính.

Giữa tháng 4/2021, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà tiếp tục ký gửi văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực BĐS. Mặt khác, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc cắm bảng công khai rõ ràng, đầy đủ các thông tin, tiến độ DA.

Không riêng lĩnh vực BĐS mà các DA khác cũng phải công khai thông tin về DA. Trong tháng 6, Sở Kế hoạch và Đầu tư phát đi văn bản thông báo: Nhà đầu tư thực hiện DA trên địa bàn tỉnh nếu không thực hiện báo cáo tiến độ triển khai DA, không công khai thông tin DA sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc yêu cầu ngừng hoạt động DA.

Theo đó, yêu cầu nhà đầu tư báo cáo các nội dung về thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, đấu nối giao thông, tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục DA; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai DA; đề xuất các biện pháp giải quyết, khắc phục, kế hoạch triển khai thời gian tới, vốn đầu tư thực hiện.

Nhà đầu tư phải tiến hành lắp đặt bảng thông tin DA chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các bảng thông tin DA phải cập nhật thông tin tiến độ thực hiện và ghi rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ quan, khách quan nếu DA thực hiện không đúng tiến độ.

Nội dung của các bảng thông tin phải đầy đủ tên DA, ghi rõ số, ngày văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tên đơn vị chủ đầu tư; họ và tên, chức vụ, địa chỉ liên hệ, số điện thoại người đại diện để liên hệ; quy mô DA; tổng vốn đầu tư; tiến độ thực hiện DA theo quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ Tiền Giang, người từng bị dụ dỗ mua phải DA chưa đủ pháp lý dẫn đến khiếu nại, rút ra bài học, người dân cần nêu cao cảnh giác để tránh mua phải DA “ma”, bán “lúa non”. Trước khi giao dịch, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy tờ pháp lý DA, đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của Nhà nước hay chưa.

Trong khi đó, bà Lê Thị Mỹ, ngụ quận 9, TP.HCM, cũng từng “mắc bẫy” khi mua phải DA chưa đủ điều kiện pháp lý, cho rằng, khách hàng cần xuống thực tế DA, xem nền, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu và xem chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục đất đai, kết cấu hạ tầng DA hay chưa. Cẩn thận hơn, khách hàng có thể tìm hiểu ở chính quyền địa phương để nắm thêm thông tin về DA trước khi thực hiện giao dịch./.

Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định: Điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ DA, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ DA,...

Lê Đức

Chia sẻ bài viết