Các công nghệ kỹ thuật số ngày càng tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực báo chí. (Nguồn: Sun)
Ngành báo chí thế giới đã bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới khi vượt qua giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số và đang chứng kiến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Nếu không chuẩn bị cho tương lai của mình, báo chí có thể phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có, khi khoa học và công nghệ kỹ thuật số đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết và xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng đang thay đổi.
Từ chiến lược chuyển đổi số
Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một hành trình mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua khủng hoảng thành công.
Theo các thống kê, những xu hướng báo chí đang và tiếp tục thịnh hành trên thế giới đều gắn một phần hay hoàn toàn với hoạt động chuyển đổi số.
Đó là các xu hướng cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, hợp tác toàn cầu, siêu tác phẩm báo chí, tệp dữ liệu âm thanh trên mạng, trí tuệ nhân tạo, tin giả và hoạt động kiểm chứng thông tin…
The New York Times (NYT) là một trong những điển hình cho tờ báo chuyển đổi số thành công nhất. Nếu như trước đây, nguồn thu từ quảng cáo báo giấy chiếm 85-90% thì hiện nay, nguồn thu từ báo điện tử đã vượt báo giấy.
Ngoài hoạt động thu phí, tờ báo còn có nhiều hoạt động khác như thương mại điện tử, kết nối với các đối tác để sản xuất nội dung trên các nền tảng số, tạo thêm nguồn thu.
Tờ báo này cho biết họ có khoảng 9,7 triệu người đăng ký các sản phẩm in ấn và kỹ thuật số vào cuối quý đầu tiên của năm nay, tăng khoảng 8% so với một năm trước đó. Khoảng 710.000 trong số đó là độc giả báo in, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận chung của tổ chức tin tức khổng lồ này chỉ là 54 triệu USD, giảm 11% so với một năm trước đó do doanh thu từ các thuê bao đăng ký mới không đủ bù đắp chi phí hoạt động cao hơn và doanh thu quảng cáo thấp đi.
Trong khi đó, The Guardian, nhật báo của Anh, được đánh giá là một tờ báo kiểu mẫu trong chuyển đổi số, khi đảm bảo các yếu tố: tạo nhiều doanh thu từ nguồn kỹ thuật số hơn nguồn sản phẩm in; tạo nhiều doanh thu từ độc giả hơn từ quảng cáo; đạt tăng trưởng doanh thu thuần nhờ nguồn tiền từ kỹ thuật số một cách nhanh chóng; và có nhiều đăng ký đọc báo mạng hơn đăng ký mua báo in.
Nhận thấy ngành truyền thông đang đứng trước những thay đổi, The Guardian đã đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số.
Tờ báo có trang web vào năm 2009 và từng bước vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu. Sự hiện diện của tờ The Guardian điện tử đã nhanh chóng trở thành hiện tượng, với những thông tin đáng kinh ngạc cùng với những bình luận sâu sắc.
Trong thời đại kỹ thuật số, The Guardian đã nhanh chóng thích ứng với thị hiếu của bạn đọc đang thay đổi. Tờ báo cung cấp lối kể chuyện đa phương tiện, các tệp tin âm thanh, video tích hợp, đưa các tính năng tương tác vào nội dung.
Bằng cách đó, The Guardian đã mở rộng được đối tượng độc giả thay vì chỉ có độc giả của báo in như truyền thống và tiếp tục hòa mình vào xu hướng chung với những thay đổi nhanh chóng.
The Guardian đã cho thấy khả năng to lớn trong việc thích ứng trong thời đại mới của lĩnh vực truyền thông. Tờ báo hoạt động trên cơ sở dữ liệu, AI và các kỹ thuật kể chuyện mới mẻ.
Với việc đầu tư cho công nghệ và phát triển văn hóa đổi mới, The Guardian tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực báo chí, thông tin và truyền cảm hứng đến bạn đọc trong thời đại kỹ thuật số.
Theo số liệu năm 2021 của PAMCo (công ty đánh giá về độc giả của các công ty truyền thông), The Guardian có 3,2 triệu độc giả báo in và 18,4 triệu độc giả báo điện tử hàng tháng.
Con số này là rất lạc quan so với các nhật báo uy tín khác tại Anh. Tờ báo ghi nhận 113 triệu khách truy cập trung bình mỗi tháng trên toàn cầu.
The Guardian lỗ 100.000 bảng (124.000 USD) mỗi ngày vào năm 2012. Tuy nhiên, trong tài khóa 2020-2021, doanh thu của công ty mẹ Guardian Media Group tăng 0,9%, lên 225,5 triệu bảng, với tăng trưởng kỷ lục doanh thu từ độc giả báo điện tử.
Dù có những thách thức, mô hình kinh doanh của The Guardian vẫn hiệu quả. Tờ báo có thể đạt lợi nhuận trong khi đảm bảo báo chí có thể tiếp cận, tự do và trên toàn cầu với mọi độc giả.
Đến ngưỡng cửa của AI
Công cuộc chuyển đổi số cũng khuyến khích các cơ quan báo chí chú trọng hơn đến AI. Khi tham gia vào cuộc chơi này, người ta nhận ra rằng AI không hề lấy đi việc làm của các nhà báo, mà ngược lại đã giúp ích rất nhiều cho các phóng viên trong quá trình tác nghiệp.
AI có thể làm thay đổi một cách phương thức sản xuất và phát hành thông tin. Những người đứng đầu lĩnh vực truyền thông thông tin cần chuẩn bị cho những tác động tiềm ẩn của AI đối với lĩnh vực này.
Khi các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT và Midjourney bùng nổ, ngày càng nhiều các cơ quan báo chí, công ty truyền thông bắt đầu quan tâm đến tác động của AI tạo sinh đến toàn bộ hoạt động của mình.
Các cơ quan báo chí ngày càng quan tâm tới tác động từ AI tạo sinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo bà Ezra Eeman, Giám đốc chuyển đổi của tập đoàn truyền thông quốc tế Mediahuis của Bỉ, tập đoàn này đã bắt đầu ứng dụng AI với phiên bản 4 của Midjourney, còn với ChatGPT là vào tháng 11/2023. Các công cụ này có thể được sử dụng theo cách thân thiện với người dùng.
AI có thể soạn kịch bản, bổ sung dữ liệu lớn hay chỉnh sửa nội dung từ định dạng này sang định dạng khác. AI có thể là trợ lý trong việc tạo ra nhiều định dạng mạng xã hội, nhiều tiêu đề cần thiết trước khi được biên tập lại lần cuối để xuất bản.
Khi có một ứng dụng có thể tạo ra mọi thứ, điều này có nghĩa bất kỳ ai cũng sẽ trở thành đối thủ của một công ty truyền thông.
Đã tồn tại một nền kinh tế của các nhà sản xuất, với nhiều sản phẩm được tạo ra và hiện thậm chí còn có thêm các công cụ quyền lực hơn để tạo ra nhiều nội dung hơn. Điều này có nghĩa khối lượng nội dung sẽ bùng nổ.
Người sở hữu một công ty truyền thông mới có thể chìm ngập trong khối lượng lớn những thông tin được tạo ra.
Vấn đề được đặt ra là tại sao độc giả lại chọn nguồn tin này, tại sao tin tức từ nguồn này vẫn khác biệt và bằng cách nào để tạo nên sự khác biệt với tất cả những gì là sản phẩm của AI?
Các công cụ tìm kiếm vốn là yếu tố quyết định lượt truy cập trên các trang web hay ứng dụng, nhưng điều này có thể thay đổi hoàn toàn nếu nhu cầu tìm kiếm không còn. Nếu câu trả lời có thể hiện ngay trên cửa sổ chat, việc mở một đường link là không cần thiết.
Truy cập Internet theo đường link đã thúc đẩy nhiều công ty truyền thông và hệ thống quảng cáo trực tuyến và các công ty hiện đầu tư vào các đích đến riêng nhằm tạo giá trị.
Tuy nhiên, nếu công cụ tìm kiếm không còn là một nguồn truy cập, việc hướng hoạt động tìm kiếm đến đích trở nên khó khăn hơn.
Một nguồn thông tin độc lập sẽ không còn cần thiết nếu trở thành nhà cung cấp thông tin trong ChatGPT. Cũng như đã trở thành các nhà cung cấp thông tin trong môi trường mạng xã hội trước đây, tất cả các nguồn tin đều đã “quay lưng” với Facebook và muốn có các ứng dụng, nền tảng riêng.
Các nguồn tin đứng trước cùng một lựa chọn là có góp mặt vào các môi trường mới như ChatGPT và Bing, hay một công cụ tìm kiếm hoặc hội thoại mới sẽ xuất hiện, hay sẽ vẫn nỗ lực thu hút độc giả đến với nội dung mà nguồn tin cung cấp, khi công cụ tìm kiếm không còn cần thiết.
AI sẽ tạo ra một mô hình kinh doanh báo chí mới. Một công ty truyền thông càng kiểm soát được chuỗi giá trị thì càng có lợi, nhưng nếu chỉ là một nhà cung cấp thông tin, vị thế trong chuỗi giá trị sẽ yếu.
Rủi ro lớn nhất khi ứng dụng AI là việc mất kiểm soát và sau đó là mất lòng tin vào những nội dung được cung cấp và mô hình kinh doanh của một công ty truyền thông sẽ bị đào thải. Do đó, việc sử dụng AI phải diễn ra theo một cách thận trọng và minh bạch./.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)