Tiếng Việt | English

08/06/2021 - 09:50

Bảo đảm an toàn bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn

Bếp ăn tập thể (BĂTT), suất ăn sẵn phục vụ số đông, nhất là tại các doanh nghiệp, trường học. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại các BĂTT, suất ăn sẵn phải được đặc biệt chú trọng, bảo đảm từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra.

Các công ty phải thực hiện triệt để quy trình kiểm thực 3 bước từ kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và trước khi ăn

Các công ty phải thực hiện triệt để quy trình kiểm thực 3 bước từ kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và trước khi ăn

Kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến

Toàn tỉnh hiện có 16 khu, 22 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút gần 308.000 công nhân (CN), lao động. Tỉnh có trên 500 BĂTT, trên 200 cơ sở chế biến suất ăn sẵn, trên 6.200 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Do số lượng lao động đông, bữa ăn giữa ca của CN được các doanh nghiệp tổ chức với nhiều hình thức như tự tổ chức nấu ăn, chọn đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp hoặc thuê một đơn vị đến nấu trực tiếp tại bếp ăn của công ty (Cty),… Những hình thức này có những ưu, khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, do nấu cho số đông nên công tác bảo đảm ATTP, nhất là kiểm soát đầu vào của nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản phải được đặc biệt chú trọng, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh - Đoàn Thanh Chiến, thời gian qua, Chi cục thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát các BĂTT nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, bảo đảm tính răn đe để các doanh nghiệp, cơ sở ý thức, chú trọng bảo đảm sức khỏe CN.

Giám đốc Cty TNHH Suất ăn công nghiệp cơm Kim Oanh - Đoàn Mộng Thị Yến Oanh cho biết: Cty chuyên cung cấp suất ăn sẵn cho 2 Cty, 7 trường học. Toàn Cty có gần 50 CN được chia nhiệm vụ riêng biệt như tiếp nhận nguyên liệu, chế biến, phục vụ,… Vì thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe CN nên chúng tôi chú trọng ngay từ nguyên liệu đầu vào. Cty có các đối tác cung cấp nguyên liệu uy tín, thực phẩm an toàn và có đội ngũ kiểm tra nguyên liệu hàng ngày. Khi tiếp nhận, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, nguyên liệu cũ, hư hỏng sẽ chụp hình lại, ghi nhận, báo cáo ngay và tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc.

Các công ty phải thực hiện triệt để quy trình kiểm thực 3 bước từ kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và trước khi ăn

Bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động

Sức khỏe của CN, lao động là tài sản quý của doanh nghiệp. Do đó, nhiều Cty rất chú trọng công tác bảo đảm ATTP cho bữa cơm CN. Giám đốc Kỹ thuật sản xuất Cty TNHH Sông Hồng Tân - Đặng Khánh Nhân cho biết: Đơn vị tổ chức nấu tại BĂTT của Cty TNHH Dinsen - Chi nhánh Long An (huyện Bến Lức). Hiện đơn vị cử 22 nhân viên nấu bếp thực hiện nấu với 5.500 suất ăn/ngày. Tại bếp ăn, các khu vực được bảo đảm riêng biệt; từ khu lưu trữ hàng hóa đến nơi sơ chế, chế biến và sản xuất đều theo quy trình 1 chiều. Thực phẩm đầu vào được chú trọng nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, lựa chọn những nguyên liệu an toàn để chế biến cho CN.

Anh Nguyễn Đắc Lợi - nhân viên bộ phận Nhân sự, Cty TNHH Dinsen, chia sẻ: “Bữa ăn trưa và cơm tăng ca tại Cty giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí trang trải cuộc sống. Thực đơn tại Cty đa dạng để lựa chọn, thức ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng, quy trình chế biến vệ sinh để CN có sức khỏe và an tâm làm việc”.

Theo ông Đoàn Thanh Chiến, để bảo đảm ATTP, trước tiên, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chú trọng việc quản lý tổ chức BĂTT, kiểm soát thực phẩm đầu vào - đầu ra; quy trình chế biến phải bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ đúng quy trình, quy định về ATVSTP. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp chưa đủ khả năng tổ chức được BĂTT thì cần lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp có uy tín, được đánh giá, kiểm định nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng; đặc biệt là tuyệt đối không để cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cung cấp suất ăn cho CN. Đồng thời, các Cty phải thực hiện triệt để quy trình kiểm thực 3 bước từ kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và trước khi ăn. Các Cty cũng phải kiểm tra thường xuyên, không nên phó mặc hoàn toàn cho đơn vị cung cấp suất ăn và phải có hợp đồng ký kết rõ ràng với các điều khoản chặt chẽ.

Ngoài ra, các tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về bảo đảm bữa ăn cho CN. Đặc biệt, bản thân CN cũng phải tự bảo vệ sức khỏe, mạnh dạn lên tiếng khi bữa ăn không bảo đảm để bảo đảm quyền lợi của mình, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Sức khỏe CN chính là “sức mạnh”, tài sản của doanh nghiệp. Một khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm, doanh nghiệp không chỉ tốn kém chi phí mà còn đình trệ quy trình sản xuất, kinh doanh, thậm chí còn ảnh hưởng cả uy tín, thương hiệu,... Chỉ một chút lơ là không tuân thủ các quy định về ATTP, không kiểm soát chặt chẽ sẽ để lại những hậu quả khó lường. Các doanh nghiệp cần đặt vấn đề bảo đảm ATTP là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó, thể hiện tinh thần chăm lo đời sống CN, lao động, giúp họ an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trong Tháng hành động Vì ATTP với chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới” năm 2021 vừa qua, các đoàn thanh, kiểm tra tuyến tỉnh, huyện, xã đã tiến hành thanh, kiểm tra 3.245 cơ sở, số cơ sở đạt là 2.890 cơ sở (89,1%); số cơ sở vi phạm 332 cơ sở (trong đó, có 13 cơ sở vi phạm bị xử phạt với số tiền gần 400 triệu đồng; 319 cơ sở vi phạm chỉ nhắc nhở); 23 cơ sở đang chờ xử lý.

Nội dung vi phạm chủ yếu là thực hiện không đúng quy định về lưu mẫu thức ăn; vi phạm trong bảo quản thực phẩm; điều kiện vệ sinh cơ sở còn chưa bảo đảm. Kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; cho thuê, cho mượn, thuê, mượn giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật không dấu kiểm soát giết mổ. Đồng thời, xả nước nước thải chưa qua xử lý trái phép vào hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp; xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết