Tiếng Việt | English

07/08/2017 - 11:56

Bảo đảm an toàn cho trẻ trong mùa lũ

So với những năm trước, năm nay, nước lũ về sớm hơn. Do đó, các cấp, các ngành trong tỉnh Long An đang bắt tay vào xây dựng và chuẩn bị nhiều mô hình giữ trẻ trong mùa lũ nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ.


Trẻ em tham gia các lớp, nhóm mầm non công lập và ngoài công lập không chỉ được bảo đảm an toàn mà còn có môi trường sống an toàn, lành mạnh

Hiệu quả từ mô hình “Ngôi nhà an toàn”

Tuy mô hình “Ngôi nhà an toàn” kết thúc vào năm 2015 nhưng nhiều địa phương trong tỉnh vẫn duy trì và tiếp tục phát triển mô hình này nhằm phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em và góp phần xây dựng đạt chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Huyện Thạnh Hóa là một trong những địa phương duy trì và thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn”. Đến nay, toàn huyện có 7.000 hộ đăng ký thực hiện mô hình này, trong đó, tập trung nhiều ở thị trấn Thạnh Hóa và các xã: Tân Đông, Tân Tây, Thủy Đông, Thủy Tây,...

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thạnh Hóa - Lê Thanh Cảnh nói: “Năm 2011, huyện Thạnh Hóa bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” và chọn xã Thạnh Phước làm điểm với 150 hộ tham gia. Sau thời gian thực hiện mô hình, tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích giảm, nhất là trẻ em bị đuối nước vào mùa lũ không còn xảy ra. Bởi, trong các tiêu chí đánh giá ngôi nhà an toàn, huyện đặc biệt quan tâm đến những tiêu chí: Xung quanh ao, hồ chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn, bảo đảm an toàn cho trẻ; giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn,...”.


Hàng năm, phụ huynh em Lê Bảo Thi (Bảo Thi bìa phải) đều gởi em ở Trường Mầm non Tân Thành, huyện Mộc Hóa để tiện cho việc mưu sinh, nhất là phòng, chống được tai nạn đuối nước ở trẻ

Đến tham quan ngôi nhà an toàn của em Phùng Nguyễn An, ngụ ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi thấy ngôi nhà không chỉ tạo được sự an tâm cho các bậc phụ huynh mà còn bảo đảm tuyệt đối cho trẻ em có được môi trường sống an toàn và lành mạnh, nhất là trẻ có được chỗ vui chơi an toàn trong mùa lũ. Ngôi nhà của em Phùng Nguyễn An được xây trên cụm dân cư vượt lũ, xung quanh có hàng rào chắc chắn, sân chơi thoáng mát, không có vật nhọn.

Bà nội em An chia sẻ: “Ba mẹ cháu An thường xuyên đi làm, tôi ở nhà trông cháu, mà trẻ con thì rất hiếu động; vì vậy, xây dựng ngôi nhà an toàn sẽ tránh được những tai nạn có thể xảy ra cho trẻ”.

Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ trong mùa lũ, bên cạnh việc duy trì và phát triển tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn”, các huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng,... đang tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức các điểm giữ trẻ trong mùa lũ.

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Thanh Tuyền thông tin: “Huyện đang lập kế hoạch giữ trẻ vào mùa lũ. Tùy theo tình hình địa phương, huyện sẽ chọn những điểm giữ trẻ tại các nơi như mượn nhà dân rộng, sạch, cao ráo không bị ngập nước, có hàng rào chắn an toàn; các trụ sở ấp văn hóa, trường học không bị ngập nước hoặc các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Dự kiến, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí cho người giữ trẻ, đồng thời hỗ trợ kinh phí ăn trưa, đồ chơi và các dụng cụ phục vụ bếp ăn cho các điểm giữ trẻ”.


Nhờ thực hiện ngôi nhà an toàn mà bà nội em Phùng Nguyễn An dễ dàng giữ trẻ và an tâm làm việc

"Sau thời gian thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích giảm, nhất là trẻ em bị đuối nước vào mùa lũ không còn xảy ra."

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạnh Hóa - Lê Thanh Cảnh

Trường, lớp sẵn sàng ứng phó với lũ

Hàng năm, khi nước lũ đổ về, nhất là những năm lũ lớn, các huyện vùng Đồng Tháp Mười luôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Từ đó, việc bảo đảm tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa lũ được xem là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu. Trong đó, trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, quan tâm và chăm sóc đặc biệt.

Nhằm bảo đảm cho trẻ có được môi trường sống an toàn và lành mạnh trong mùa lũ này, nhiều trường, nhóm, lớp mầm non tư thục, công lập chủ động giữ trẻ. Điển hình như Nhóm trẻ gia đình Thanh Sang ở thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng. Hiện nay, nhóm trẻ này đang giữ trên 20 em độ tuổi từ 3-6 tuổi. Đa số phụ huynh của những em này bận mưu sinh nên gửi trẻ tại đây để an tâm làm việc.

Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hưng - Nguyễn Thị Ngân Hoa cho biết: “Hiện nay, huyện có Trường Mầm non thị trấn Tân Hưng đang giữ khoảng 30 trẻ; 7 nhóm trẻ độc lập tư thục đang giữ khoảng 100 trẻ. Dự kiến, năm học 2017-2018, huyện sẽ mở 70 lớp mẫu giáo và 9 nhóm trẻ, với gần 2.000 trẻ tham gia. Việc tạo điều kiện cho trẻ vào mẫu giáo không chỉ bảo đảm cho trẻ an toàn trong mùa lũ mà còn góp phần tạo cho trẻ có được sân chơi lành mạnh, bổ ích”.

Phụ huynh em Lê Bảo Thi, ngụ xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa chia sẻ: “Nhà tôi ở trong đồng nên dù lũ nhỏ nhưng xung quanh nhà vẫn toàn là nước. Vì vậy, mùa lũ nào, tôi cũng gửi cháu vào Trường Mầm non Tân Thành để an tâm làm việc”.

Hiện nay, huyện Mộc Hóa cũng đang bắt tay vào tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ ra trường đúng độ tuổi. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh thông tin: “Hầu hết các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện đều xây dựng trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và có hàng rào bao quanh. Do đó, dù lũ lớn như năm 2000 thì các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện vẫn bảo đảm an toàn cho trẻ. Ngoài ra, huyện có 3/7 trường mẫu giáo đạt chuẩn nên cơ sở vật chất ở các trường này đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của các em”.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Thị Bạch Huệ: “Trẻ em luôn là đối tượng cần được quan tâm và chăm sóc. Do đó, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ trong mùa lũ, sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các phòng LĐ-TB&XH phải lập kế hoạch giữ trẻ trong mùa lũ; đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Ngôi nhà an toàn” theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh”.

Thiết nghĩ, với sự đồng lòng, chung sức của các cấp, các ngành, dù lũ năm nay về sớm hoặc cao hơn những năm trước thì trẻ em luôn được bảo đảm an toàn./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết