Báo cáo mới của WHO đã nhấn mạnh tác hại nguy hiểm của "kẻ giết người thầm lặng" này, khẳng định đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới, theo hãng tin CNN.
Giảm muối là "lựa chọn tốt nhất" để giảm nguy cơ mắc HA cao
Chỉ 1/5 bệnh nhân huyết áp cao được điều trị đầy đủ
Theo báo cáo, HA cao - là khi chỉ số HA từ 140/90 mmHg trở lên, ảnh hưởng đến 1/3 người trưởng thành trên toàn thế giới. Nó thường dẫn đến đột quỵ, đau tim, suy tim và tổn thương thận.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng HA cao có thể được kiểm soát hiệu quả bằng các phác đồ thuốc đơn giản, chi phí thấp, nhưng chỉ có khoảng 1/5 số ca mắc bệnh được điều trị.
Có thể ngăn chặn được 76 triệu ca tử vong
Theo WHO, một số quốc gia đã triển khai các chương trình quốc gia toàn diện để điều trị HA cao và đã kiểm soát được 50% tình trạng HA cao.
WHO cho biết điều trị đúng cách HA cao có thể ngăn chặn 76 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2050, theo CNN.
Các biện pháp phòng ngừa
Báo cáo của WHO đưa ra những biện pháp phòng ngừa, bao gồm:
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tránh uống rượu và thuốc lá
- Tập thể dục thường xuyên.
WHO cho biết những chiến lược này nên được thực hiện ở môi trường cụ thể như trường học và công sở để thúc đẩy hơn nữa lối sống lành mạnh.
HA cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới
Một chiến thuật khác là giảm lượng muối hằng ngày
Ông Michael Bloomberg, Đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm và thương tích, cho biết: Hầu hết các cơn đau tim và đột quỵ đều có thể được ngăn ngừa bằng các loại thuốc giá cả phải chăng, an toàn, dễ tiếp cận và các biện pháp can thiệp khác, như giảm lượng natri, theo CNN.
WHO khuyến nghị lượng muối dưới 5 gram (tương đương khoảng 2 gram natri) mỗi người mỗi ngày để giảm nguy cơ HA cao nhằm ngăn ngừa các bệnh tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Chiến lược giảm muối là "lựa chọn tốt nhất" để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Năm 2013, tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO đã cam kết giảm 30% lượng natri tiêu thụ vào năm 2025, nhưng một báo cáo công bố năm nay cho thấy chỉ có 5% số quốc gia thực hiện chính sách giảm natri toàn diện.
WHO cũng lưu ý rằng HA cao và các biến chứng của nó gây ra chi phí "rất lớn" trên toàn thế giới cho cả bệnh nhân, hệ thống y tế và nền kinh tế./.
Theo Thanh niên