Tiếng Việt | English

07/01/2024 - 08:35

Bạo hành gia đình - Những câu chuyện 'không dám kể'!

Bạo hành tinh thần (BHTT) là hình thức bạo hành bằng lời nói, thái độ, không để lại dấu vết trên cơ thể nhưng lại ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân. BHTT thường rất khó phát hiện bởi nạn nhân cũng có suy nghĩ muốn che giấu để “bảo vệ gia đình” hoặc “xem nhẹ” tác hại của BHTT trong đời sống.

Việc im lặng chịu đựng bạo hành tinh thần dễ khiến nạn nhân bị tổn thương sâu sắc, lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần (Ảnh minh họa: Internet)

Những câu chuyện “không dám kể”

Học xong cao đẳng, chị Hồng (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) về TP.Tân An tìm việc để thuận tiện đi lại chăm sóc mẹ. Chị muốn bù đắp cho mẹ sau hơn nửa đời bà phải chịu nhiều vất vả về cả thể chất lẫn tinh thần.

Vốn là con út trong nhà, theo lẽ thường, chị Hồng sẽ nhận được sự yêu thương và chiều chuộng từ cha mẹ. Nhưng không, người cha quá cố của chị từng nghiện rượu và là nỗi ám ảnh của cả gia đình. Chị Hồng kể: “Rượu đã khiến ông thành một người hoàn toàn khác. Ông bắt đầu thay đổi tính tình từ khi tôi học lớp 4 cho đến ngày ông mất. Ông lớn tiếng, nặng lời với chúng tôi mỗi ngày, kể cả lúc ăn và lúc ngủ. Có thời gian, tôi bị áp lực và stress nặng vì điều đó”. Đó là thời gian chị Hồng phải nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Long An để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ.

Chị Hồng kể tiếp: “Sau thời gian đó, tôi và mẹ nhắc nhau hãy bỏ qua những việc cha tôi làm vì không thể nào thay đổi. Tôi và mẹ “lơ đi mà sống”. Tôi cố gắng học, hy vọng có thể đỡ đần mẹ sau này”.

Chị Hồng tốt nghiệp cao đẳng ngành Kế toán và nhanh chóng tìm được công việc thích hợp. Giờ đây, sau khi cha mất vì bạo bệnh, mỗi ngày, chị đi làm và về nhà cùng mẹ. Trong mâm cơm chiều, chị kể cho mẹ nghe những câu chuyện vui.

Cũng từng là bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Long An, chị Trân lại có một câu chuyện hoàn toàn khác. Vừa sinh con thứ hai không lâu thì chị được gia đình đưa đến khám tại bệnh viện vì có dấu hiệu loạn thần, muốn tự sát. Trong các buổi tham vấn tâm lý, những ngày đầu, chị chỉ khóc mà không nói được gì. Bác sĩ chỉ định chị điều trị nội trú kết hợp tâm lý trị liệu giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Vợ chồng chị được tạo điều kiện trò chuyện cùng nhau để tháo gỡ các vướng mắc, tuy nhiên, thời gian đầu, hai người hầu như không đối thoại được với nhau, ngồi cạnh nhau nhưng khoảng cách giữa họ lại rất “xa”.

Chị Trân kể, trong quá trình chung sống cùng chồng, chị lệ thuộc về kinh tế và bị chồng kiểm soát quá mức. Những thay đổi tâm lý giai đoạn sau sinh cùng việc nghi ngờ chồng có mối quan hệ không trong sáng với người khác khiến chị suy sụp. Những cuộc tranh cãi nổ ra thường xuyên giữa hai vợ chồng. Chị bị chồng xúc phạm, nhục mạ. Dần dần, chị bắt đầu thu mình lại, không quan tâm đến con nhỏ, ít nói và có ý định tự tử.

Theo Trưởng khoa Tâm lý trị liệu, Phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần Long An - Trần Văn Phương (người trực tiếp tham vấn tâm lý, trị liệu cho chị Trân), chị Trân chính là nạn nhân của BHTT trong gia đình. Và trường hợp của chị Hồng cũng không ngoại lệ.

Ảnh hưởng nặng nề

BHTT là việc sử dụng những lời nói, hành vi làm tổn thương tâm lý của người khác. Nạn nhân sẽ thường xuyên đối mặt với những lời chửi mắng, hành vi hạ nhục, lời lẽ nặng nề, thô thiển, xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự. Đối với vợ chồng, việc BHTT thường xảy ra 2 trường hợp: Sử dụng lời nói chửi, mắng, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc gây áp lực, kiểm soát về kinh tế.

Thông thường, rất khó để nhận biết về tình trạng BHTT bởi người bạo hành và cả nạn nhân có tâm lý xem nhẹ hoặc che giấu hành vi bạo hành, phớt lờ những ảnh hưởng của BHTT đối với nạn nhân. Những trường hợp như chị Hồng, chị Trân chỉ được biết đến khi nạn nhân gặp vấn đề về tâm lý và cần được can thiệp. Nếu không, việc các chị trở thành nạn nhân trong chính gia đình rất khó nhận biết.

Chị Hồng kể, trước đây, mẹ chị từng nghĩ đến việc báo với chính quyền địa phương về những hành xử sai trái của cha chị, tuy nhiên tâm lý “xấu chàng hổ thiếp” đã ngăn bà lại và câu chuyện đó đã kéo dài trong suốt hơn 1 thập kỷ.

BHTT thường diễn ra một cách âm thầm, không để lại dấu vết trên cơ thể như bạo hành thể chất nhưng tác động tiêu cực của BHTT đến nạn nhân là điều không thể chối cãi. Việc im lặng chịu đựng BHTT dễ khiến nạn nhân bị tổn thương sâu sắc, lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người bị bạo hành.

Khi nạn nhân đã tổn thương về tinh thần thì việc can thiệp trị liệu rất khó và tốn rất nhiều thời gian. Theo ông Trần Văn Phương, tỷ lệ điều trị thành công cho những người bị tổn thương tinh thần do bạo hành gia đình ở mức 60-70%. Các trường hợp còn lại, việc hỗ trợ điều trị chỉ có thể giúp nạn nhân cải thiện tốt hơn tình trạng sức khỏe mà thôi./.

Quế Lâm

(*) Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Chia sẻ bài viết