Tiếng Việt | English

27/03/2021 - 09:30

Bạo lực gia đình vẫn len lỏi trong đời sống hôn nhân

Mặc dù các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) nhưng thực tế hàng ngày, tình trạng này vẫn tái diễn, len lỏi trong cuộc sống của nhiều gia đình.

Bạo lực gia đình vẫn len lỏi trong cuộc sống (Ảnh minh họa: Internet)

Bạo lực gia đình vẫn len lỏi trong cuộc sống (Ảnh minh họa: Internet) 

Muôn kiểu bạo lực gia đình

Gia đình vốn được xem là nơi bình yên nhất, nơi trú ngụ sau bão giông cuộc đời và gia đình cũng chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục mỗi thế hệ. Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội, từ tổ ấm hạnh phúc ban đầu có thể sẽ trở thành “địa ngục trần gian” bởi nguyên nhân từ BLGĐ. Trong bất kỳ điều kiện nào, BLGĐ đều để lại những hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần, làm xói mòn các giá trị đạo đức và dẫn đến nguy cơ gia đình ly tán.

Theo một thẩm phán đang công tác tại TP.Tân An, tỉnh Long An, hiện nay, trong số các vụ việc ly hôn được thụ lý, có rất nhiều vụ việc xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ. Trong đó, chỉ tính riêng những vụ việc được xác minh, thừa nhận tại tòa chiếm trên 10% tổng số vụ việc ly hôn. Trước đây, BLGĐ thường tập trung vào các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe thì hiện nay, BLGĐ tồn tại ở rất nhiều hình thức như bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế và xuất hiện cả hình thức bạo lực về tình dục. Tuy nhiên, trong số các vụ việc liên quan đến BLGĐ, phổ biến nhất hiện nay vẫn là bạo lực về thể xác và bạo lực về tinh thần.

Năm 2012, chị T. và anh N., ngụ TP.Tân An, đến với nhau bằng một đám cưới hạnh phúc sau thời gian dài tìm hiểu. Những tưởng hạnh phúc trong tầm tay khi cuộc sống hôn nhân viên mãn và cả 2 có với nhau 1 bé trai kháu khỉnh nhưng hạnh phúc ấy chỉ thoáng qua trong vài năm đầu của cuộc hôn nhân. Qua thời gian, anh N. bắt đầu ăn chơi dẫn đến nợ nần, không lo lắng, quan tâm đến tổ ấm gia đình. Cũng từ đó, mâu thuẫn gia đình bắt đầu phát sinh. Mặc những lời khuyên can từ chị T., những trận cãi vã diễn ra thường ngày, thậm chí là những câu nói xúc phạm gây tổn thương khiến cuộc sống gia đình rạn nứt. Không chịu đựng được, năm 2018, chị T. và anh N. ly thân. Mặc dù sau ly thân, cả 2 cố hàn gắn nhưng những ám ảnh về tinh thần khiến chị T. quyết định giải thoát cho bản thân.

Không giống như hoàn cảnh của chị T., cuộc hôn nhân của chị N.T.M.T. và anh T.M.T. luôn thấp thỏm sau thời gian chung sống. Hơn 2 năm, cuộc sống gia đình bước vào cảnh “vỡ mộng” bởi những ý kiến bất đồng. Ngoài những bất đồng, chị T. cho rằng chồng không lo làm ăn, không chăm sóc vợ con, từ đó dẫn đến những mâu thuẫn trong hôn nhân. Xen giữa những lúc cãi vã là cả xô xát, nhiều lần anh M.T. “ra tay” với chị. Không chịu được bạo lực từ chồng, cuối cùng, chị quyết định ly hôn.

Hai vụ việc trên đây là một trong những hình thức BLGĐ nhưng chỉ ở mức độ dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình. Nguy hiểm hơn, BLGĐ còn dẫn đến những vụ án nghiêm trọng.

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2020, toàn tỉnh có 203 mô hình phòng, chống BLGĐ, 714 câu lạc bộ gia đình phát triển, 683 nhóm phòng, chống BLGĐ, 980 địa chỉ tin cậy trong cộng đồng và 617 đường dây nóng tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Trong năm, các tổ hòa giải tại ấp, khu phố đã tiến hành hòa giải và tư vấn hơn 530 vụ việc liên quan đến hôn nhân - gia đình và BLGĐ, trong đó có 453 vụ việc được hòa giải thành do những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình có nguy cơ dẫn đến BLGĐ. Từ đó, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống BLGĐ và xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Đâu là nguyên nhân?

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2020, tổng số vụ BLGĐ toàn tỉnh được phát hiện là 77 vụ. Trong đó, có 56 vụ bị xử phạt hành chính, 1 vụ bị xử lý hình sự. Đáng chú ý, có đến 14/77 vụ BLGĐ dẫn đến ly hôn, chiếm 18% trong số các vụ BLGĐ. Tuy nhiên, số liệu về BLGĐ trong năm 2020 chỉ là những vụ việc được phát hiện, còn thực tế trong đời sống xã hội không thể thống kê được do đa số nạn nhân không trình báo. BLGĐ không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn ở các gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế khá giả. Thậm chí, có những cặp vợ chồng chung sống hàng chục năm vẫn xảy ra tình trạng BLGĐ. Một thẩm phán Tòa án nhân dân TP.Tân An cho rằng, có rất ít trường hợp BLGĐ được phát hiện. “Những trường hợp bị BLGĐ ban đầu thường không thừa nhận bởi những người trong cuộc vẫn cho rằng đó là chuyện riêng, thậm chí là xấu hổ khi người khác biết đến. Những người bị BLGĐ thường chịu đựng và có rất nhiều trường hợp chịu đựng trong thời gian dài mới đưa ra quyết định ly hôn” - vị thẩm phán Tòa án khẳng định.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc, BLGĐ là một vấn nạn để lại rất nhiều hệ lụy cho xã hội. BLGĐ gây tổn thương trực tiếp đến đời sống, tình cảm, tâm lý, danh dự, thậm chí là cả tính mạng của các nạn nhân. BLGĐ còn gây rạn nứt, suy giảm sự bền vững của gia đình hay nói cách khác là một trong số các nguyên nhân dẫn đến ly hôn, ảnh hưởng đến quá trình học tập và trưởng thành của trẻ em. Mặt khác, BLGĐ sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển của xã hội, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội và tiếp tay cho các tệ nạn xã hội khác. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi BLGĐ. Trước hết, là những mâu thuẫn trong đời sống gia đình chưa được bàn bạc, xử lý dứt điểm, trình độ nhận thức và sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, nhiều gia đình vẫn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, một số tệ nạn xã hội và việc lạm dụng rượu, bia cũng tác động không nhỏ làm thay đổi suy nghĩ và mất đi tính tự chủ của bản thân khiến con người trở nên “thô bạo” hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Quốc khẳng định: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng BLGĐ bởi những người có hành vi BLGĐ cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình, không liên quan đến ai và cũng không ai có quyền được can thiệp. Trong khi đó, đa số nạn nhân của BLGĐ thường cam chịu, không trình báo với cơ quan chức năng. Từ đó khiến hành vi BLGĐ có cơ hội tiếp diễn, len lỏi trong đời sống hôn nhân”.

Từ những nguyên nhân trên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc, muốn đẩy lùi hành vi BLGĐ, điều quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và phải đến được với các đối tượng xã hội có hành vi BLGĐ, người bị BLGĐ một cách rộng rãi, toàn diện.

Án mạng từ bạo lực gia đình

Mặc dù đa số các vụ BLGĐ thường chỉ là xô xát nhẹ hoặc bạo lực về tinh thần nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có không những vụ án nghiêm trọng xuất phát từ BLGĐ.

Khoảng 21 giờ ngày 15/10/2015, trên địa bàn khu phố 4, phường 3, thị xã Kiến Tường, xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Hung thủ là Võ Văn Thương đã dùng dao đâm 13 nhát khiến vợ tử vong. Trước khi xảy ra vụ án mạng, trong thời gian sống chung, Thương thường xuyên có những hành vi bạo hành đối với vợ.

Tối ngày 05/3/2020, tại khu vực cầu Đôi trên Đường tỉnh 10, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Nạn nhân là chị D. tử vong sau 16 nhát dao từ chồng là Đường Thanh Tòng khi y ghen tuông với vợ.

Ngày 03-4-2020, tại ấp 3B, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, xảy ra vụ giết người. Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn ghen tuông. Theo đó, trong quá trình chung sống, Huỳnh Văn Hồng nghi ngờ vợ có mối quan hệ khác nên ghen tuông. Trong lúc nói chuyện, cả 2 xảy ra mâu thuẫn, Hồng không làm chủ được bản thân đã lấy cây rựa chém nhiều nhát khiến vợ Hồng tử vong tại chỗ./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết