Tiếng Việt | English

08/06/2021 - 08:48

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ có phụ nữ hoặc trẻ em bị đánh, bị đe dọa tính mạng mà còn bạo hành bằng lời nói, bạo hành tinh thần. Các cấp, ngành, đoàn thể đang nỗ lực bảo vệ phụ nữ, trẻ em bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ, tặng quà,... (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải tặng quà  trẻ em có hoàn cảnh khó khăn)

Vẫn còn âm ỉ

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 396.731 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có khoảng 16.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 23 trẻ em bị xâm hại tình dục, 467 trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội, 25 trẻ em sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội.

Cách đây vài năm, người dân xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa truyền tai nhau câu chuyện về một người phụ nữ tự tử vì buồn chuyện gia đình. Đó là một gia đình hiền lành. Vợ chồng trẻ có 3 mặt con. Cuộc sống không quá dư dả nhưng cũng không thiếu hụt và khá bình yên. Cho tới một ngày, những mâu thuẫn gia đình xuất hiện do ghen tuông. Không lâu sau đó, người vợ tự tử, bỏ lại 3 đứa con thơ.

Ôm 3 đứa trẻ trong tay, anh Minh (tên nhân vật đã được thay đổi) nói rằng, không nghĩ vợ sẽ tự tử. Anh cũng không có bằng chứng gì xác thực việc vợ ngoại tình. Trong cơn nóng giận, anh đã nói những lời khó nghe và có lẽ hơi xúc phạm. Hiện tại, 4 cha con anh Minh thuộc diện hộ nghèo, những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu vắng vòng tay mẹ. Chuyện nhà anh Minh xảy ra ít ai ngờ đến, bởi vợ chồng anh chưa một lần to tiếng hay đánh nhau gây phiền hà đến xóm giềng. Mọi người nói, vợ anh Minh có cá tính mạnh, ít tâm sự với người khác nên mới xảy ra cớ sự.

Hiện nay, nhiều câu chuyện tương tự vẫn xảy ra. Ngoài những vụ việc bạo hành về thân thể thì ở một số gia đình trẻ còn tồn tại bạo hành bằng lời nói, bạo hành tinh thần. Đó là người phụ nữ A. bị chồng ghẻ lạnh, nhốt trong nhà đến sinh tâm bệnh mà qua đời; hay phụ nữ B. có chồng nghiện rượu phải một mình bươn chải nuôi con, còn phải nghe chồng mắng chửi suốt trong những cơn say. Tuy nhiên, những người phụ nữ trong cuộc thường im lặng, chấp nhận nên việc hỗ trợ, giúp đỡ gần như là không thể.

Bạo hành về tinh thần, bằng lời nói thường khó phát hiện. Các vụ việc BLGĐ thường xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong nhà. Nếu không được hòa giải, chia sẻ thì những mâu thuẫn nhỏ dễ tích tụ thành lớn và dẫn đến tình trạng ly hôn.

Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc là nơi chị em phụ nữ, trẻ em có thể tìm đến để được tư vấn, có thêm kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc và tự bảo vệ mình (Trong ảnh: Sinh hoạt Câu lạc bộ tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa trước khi có dịch). ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành cung cấp

Phụ nữ cần mạnh dạn lên tiếng

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa - Lê Thị Ngọc Diễm cho biết: “Với việc bạo hành tinh thần, bạo hành bằng lời nói, nếu chị em chủ động tâm sự, chia sẻ, chúng tôi sẽ hỗ trợ, còn trong trường hợp chị em im lặng thì rất khó để phát hiện, can thiệp”.

Theo chị Diễm, mặc dù địa phương có xây dựng mô hình Địa chỉ tin cậy, có nhà tạm lánh cho chị em nhưng hầu như chưa bao giờ địa chỉ và số điện thoại ấy được chị em dùng đến. Chị em thường chia sẻ với người tin cậy như một cách giải tỏa bức xúc của bản thân. Không ít lần, chị Diễm dành hàng giờ đồng hồ chỉ để lắng nghe tâm sự của hội viên, lựa lời khuyên giải, hướng dẫn cách ứng xử cho phù hợp để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhờ vậy, nhiều gia đình được hàn gắn khi đứng trước bờ vực ly hôn.

Bí thư, Trưởng ấp Cầu Hàn, xã An Lục Long, huyện Châu Thành - Đoàn Công Nghĩa, cho biết, thực hiện mô hình Địa chỉ tin cậy, số điện thoại của ông được cung cấp cho người dân, tiếp nhận thông tin khi bị BLGĐ xảy ra, nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhưng suốt gần 10 năm nay, hầu như chẳng mấy khi có người gọi ông về vấn đề này. Những vụ “lục đục” trong nhà thường được ông nắm bắt thông qua hàng xóm hoặc các đoàn thể báo lại. Với các trường hợp đó, người trưởng ấp uy tín, lớn tuổi chọn cách khuyên can trong những lần gặp gỡ tình cờ hoặc thông qua các cuộc họp chi, tổ hội. Nhiều gia đình trẻ nhờ những lời khuyên ấy mà sửa chữa sai lầm, tiếp tục vun đắp cho cuộc sống hôn nhân bền chặt.

Các chương trình, hoạt động hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn là một trong những cách giúp phụ nữ và trẻ em thoát khỏi khó khăn và góp phần giữ gìn gia đình hạnh phúc (Trong ảnh: Địa phương chuẩn bị quà tết năm 2021 cho các hộ khó khăn, hộ chính sách trên địa bàn xã Long Định, huyện Cần Đước và nông dân Châu Thành được nhận nguồn vốn phát triển sản xuất để làm vốn làm ăn, thoát nghèo) (ảnh tư liệu)

Để giúp phụ nữ và trẻ em có điểm tựa khi xảy ra BLGĐ, mô hình Địa chỉ tin cậy được thành lập tại khắp các địa phương, tuy nhiên, hầu như không ai tìm đến. Chị em phụ nữ vẫn còn tâm lý e ngại, không muốn nói ra khi bản thân hoặc các con bị bạo hành tinh thần. Ngược lại, các mô hình, câu lạc bộ như Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc (Hội Liên hiệp Phụ nữ), mô hình Cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản đối với trẻ em có nguy cơ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em hoàn cảnh đặc biệt (Sở Lao động - Thương binh và xã hội) phát huy tác dụng. Đó là nơi phụ nữ, trẻ em có thể tìm đến để được tư vấn, có thêm kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình.

Không chỉ vậy, nhiều lớp tập huấn các kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, BLGĐ, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình,... cũng được các sở, ngành thường xuyên tổ chức tại các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ, tặng quà,... Chương trình xóa đói - giảm nghèo cũng là một trong những cách giúp phụ nữ và trẻ em thoát khỏi khó khăn và góp phần ngăn ngừa BLGĐ.

Việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi BLGĐ là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó, một phần quan trọng thuộc về các thành viên trong gia đình và chính người phụ nữ. Phụ nữ cần nâng cao nhận thức để đủ bản lĩnh bảo vệ bản thân và con mình./.

Để giúp đỡ hội viên, Hội tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế bằng các nguồn vốn vay hoặc giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nâng cao đời sống vật chất sẽ góp phần giúp gia đình hội viên giải quyết được các bất hòa xuất phát từ việc eo hẹp về kinh tế”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân  Thành, huyện Thủ Thừa -

Lê Thị Ngọc Diễm

Việc gia đình xích mích, cãi nhau thì ở địa phương vẫn còn nhưng không nhiều và không lớn do ngày nay, kinh tế và nhận thức của người dân nâng cao hơn. Tuy nhiên, trong những vụ mâu thuẫn, hầu hết phụ nữ bị chửi, la mắng nhiều hơn. Những vụ việc này,  tôi thường biết được qua hàng xóm”.

Bí thư, Trưởng ấp Sậy Giăng, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng -

Nguyễn Đức Long

Trước giờ chưa có trường hợp nào chị em liên hệ trực tiếp Địa chỉ tin cậy để nhờ giúp đỡ. Có lẽ, chị em nghĩ bạo lực về tinh thần hay bạo lực bằng lời nói chưa có gì quá đáng. Mặt khác, ngày nay, nhiều chị em chọn cách ly hôn nếu cảm thấy cuộc sống gia đình không thể dung hòa”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành -

Huỳnh Thị Hoàng

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết