Tiếng Việt | English

30/06/2023 - 09:07

Bảo vệ trẻ em tránh nguy cơ xâm hại từ không gian mạng

Trong thời đại công nghệ số, việc tiếp xúc, sử dụng Internet từ sớm giúp trẻ em chủ động tìm hiểu kiến thức phục vụ việc học tập và giải trí. Tuy nhiên, đi kèm những lợi ích thì mạng xã hội (MXH) còn tràn lan thông tin tiêu cực, nội dung phản cảm dễ tác động đến tâm lý tò mò của trẻ em. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng không gian mạng để dụ dỗ, lôi kéo, biến trẻ em thành nạn nhân bị xâm hại.

Dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại từ không gian mạng

Gia đình là nền tảng, hạt nhân để bảo vệ trẻ em

Hiện nay, hầu hết các gia đình đều sử dụng Internet để phục vụ công việc hàng ngày cũng như nhu cầu giải trí. Vì vậy, trẻ em có điều kiện tiếp xúc sớm với Internet. Không ít trường hợp trẻ em nghiện game online, nghiện sử dụng các nền tảng MXH. Nguy hiểm hơn, từ MXH, nhiều mối quan hệ “ảo” hình thành, một số đối tượng lợi dụng sự non nớt, chưa hiểu biết của trẻ em để lôi kéo, dụ dỗ. Những mối quan hệ từ MXH khiến không ít trẻ em, nhất là trẻ em gái trở thành nạn nhân bị xâm hại ngoài đời. Nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua như hồi chuông cảnh tỉnh cho việc quản lý con cái trên không gian mạng.

Đầu năm 2021, T.T.T.N. (15 tuổi, ngụ huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) quen biết N.V.H. (19 tuổi, ngụ huyện Bến Lức) qua MXH. Những lần trò chuyện trên MXH khiến cả 2 nhanh chóng “cảm nắng”. Những tò mò của tuổi mới lớn, sự thiếu quan tâm của gia đình khiến 2 em sớm phát sinh mối quan hệ người lớn. Hậu quả của mối tình trên mạng là N. sinh con ở tuổi 16, còn H. phải nhận mức án 3 năm 6 tháng tù.

Cuối tháng 5/2023, gia đình chị P.N.T. (xã Long Định, huyện Cần Đước) tá hỏa khi phát hiện con gái đang học lớp 6 bỗng dưng không về nhà nhiều ngày liền. Hỏi thăm nhiều nơi, gia đình chị mới biết, con gái quen với nhóm bạn trên MXH rồi bị rủ rê bỏ nhà lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ kiếm việc làm. Gia đình đã trình báo công an, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, con gái chị được phát hiện bị nhóm thanh niên dụ dỗ đưa lên huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đau lòng hơn, con gái chị đã bị một trong số các đối tượng xâm hại tình dục.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh xảy ra 103 vụ/107 đối tượng/103 trẻ em bị xâm hại, 58 vụ bạo lực học đường. Trong đó, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra chủ yếu ở nhóm xâm hại tình dục trẻ em chiếm 96,1% trong tổng số các vụ xâm hại trẻ em. Đặc biệt, loại tội phạm giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi chiếm gần 60%. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, gây suy thoái đạo đức xã hội, đi ngược lại những giá trị văn hóa đời sống con người.

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua các vụ việc trẻ em bị xâm hại được phát hiện cho thấy nguyên nhân chủ yếu là nhận thức, kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ; trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi mặt trái của MXH; một số gia đình lo làm kinh tế, thiếu quan tâm, nhắc nhở con em. Đặc biệt, thời gian qua, trẻ em có điều kiện tiếp cận và sử dụng Internet từ sớm nhưng chưa được trang bị kiến thức cơ bản để tự phòng ngừa trước các thông tin, hình ảnh xấu, độc hại trên mạng, dễ bị các đối tượng lợi dụng không gian mạng tiếp cận, làm quen, dụ dỗ hoặc tự mình để cho tội phạm xâm hại, nhất là đối với tội phạm giao cấu với trẻ em. Ngoài ra, khi phát hiện các em bị xâm hại tình dục, đa số phụ huynh có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên không tố giác kẻ phạm tội, thậm chí còn chấp nhận đền bù hoặc tổ chức đám cưới.

“Khi trẻ em tiếp cận các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp trên môi trường mạng nhưng chưa được trang bị kiến thức phòng ngừa cùng sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình” - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt cho biết.

Bà Phan Thị Nguyệt cũng cho rằng, hậu quả của xâm hại trẻ em là hết sức nghiêm trọng đối với bản thân nạn nhân, gia đình và xã hội. Trẻ em bị xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào thì đều gây tổn thương ở các mức độ khác nhau về mặt thể chất, tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường cũng như tương lai của các em. Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận người dân còn kém, một số trường hợp trẻ em sau khi bị xâm hại lại bị kỳ thị, xa lánh, gây tổn thương tinh thần, làm cho các em có suy nghĩ tiêu cực, dễ sa ngã vào các loại tệ nạn khác.

Những tiểu phẩm trong Hội thi gia đình văn hóa - thể thao tỉnh truyền đi thông điệp về xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ trẻ em

Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ để bảo vệ con em mình đối với các hành vi, thủ đoạn lừa gạt, xâm hại trẻ em; đồng thời, giúp trẻ em nhận thức được nguy cơ xảy ra xâm hại cho bản thân, tự giác bảo vệ bản thân, không tiếp xúc với người lạ để tránh nguy cơ bị xâm hại.

Điều quan trọng nhất, các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ những nguy cơ khi cho con em mình tiếp xúc với không gian mạng, đặc biệt cần dành thời gian quan tâm đến con, hướng dẫn các con biết tiếp thu, chắt lọc thông tin, sử dụng thiết bị thông minh, tham gia môi trường mạng an toàn để bảo vệ con em mình trước những hệ lụy mà MXH có thể mang lại./.

Theo khuyến cáo của UNICEF, để giúp con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động như không sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ; kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí; đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình. Sử dụng giải pháp công nghệ như cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em; theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp. Đặc biệt, cần cùng trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao; hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp và tạo thói quen cho con cần chia sẻ ngay với cha mẹ, thầy cô khi gặp rắc rối trên mạng. 

Kiên Định

Chia sẻ bài viết