Những ngày vừa qua, sự việc đau lòng của bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM), bị mẹ kế bạo hành dã man nhiều lần khiến em có nhiều vết bầm dập trên cơ thể dẫn đến tử vong, đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Sự việc này như một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải thay đổi thái độ sống và quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa tới trẻ em.
Đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất nặng nề trên toàn thế giới. Những nỗ lực trong việc phòng, chống virút SARS- CoV-2 để bảo vệ sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu,... Tuy nhiên, điều này phần nào khiến trẻ em và phụ nữ gia tăng nguy cơ bị bạo hành, như ngược đãi, bạo lực trên cơ sở giới và xâm hại tình dục. Một số báo cáo gần đây từ các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho thấy, việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội và những biện pháp ngăn chặn bệnh dịch khác, đi kèm với áp lực kinh tế và xã hội tăng lên đối với các gia đình là những “mầm mống” dẫn đến bạo lực, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30-300%.
Tại Việt Nam, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng. Nhưng trong năm 2021, thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000-50.000 cuộc mỗi tháng. Một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi. Con số trên đặt ra câu hỏi, liệu trẻ dưới 11 tuổi có biết đến Tổng đài Bảo vệ trẻ em và có thể gọi xin trợ giúp được hay không?
Bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành cần sự chung tay của cả cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng để có thể kịp thời can thiệp và giải quyết, tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra.
Vì vậy, để trẻ em có môi trường sống lành mạnh và phát triển một cách toàn diện, hạn chế thấp nhất những vụ việc thương tâm xảy ra, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về hậu quả của bạo hành đối với trẻ em; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ. Cụ thể, ngành chức năng, đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ các cấp chú trọng hỗ trợ, mở các lớp tập huấn, cung cấp tài liệu về kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông về ảnh hưởng của bạo lực đối với sự phát triển của trẻ em để nâng cao ý thức phòng ngừa của toàn xã hội. Nhà trường - gia đình - xã hội cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em; thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong trường học. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con noi theo, có trách nhiệm với con, thường xuyên quan tâm, trò chuyện cùng các con. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em bằng những việc làm thiết thực. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, hãy mạnh dạn lên tiếng khi phát hiện trường hợp trẻ bị bạo hành.
“Trẻ em như búp trên cành”, trẻ em chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Hãy chăm sóc và bảo vệ trẻ em vì các em đáng nhận được mọi sự yêu thương. Đừng để bạo hành trẻ em trong gia đình làm mất đi tương lai của con trẻ./.
Thanh Tuyền