Tiếng Việt | English

26/12/2023 - 18:46

Bất động sản năm nay lương tháng còn khó, nói gì thưởng Tết

Cuối năm, một trong những câu chuyện quan tâm nhất với người lao động là thưởng Tết. Song với nhiều doanh nghiệp bất động sản, đa phần nói khó khăn kéo dài nên thưởng Tết ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Khó khăn lớn nhất năm nay của doanh nghiệp địa ốc là vấn đề dòng tiền, việc duy trì tháng lương thứ 13 với nhiều công ty cũng đã khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khó khăn lớn nhất năm nay của doanh nghiệp địa ốc là vấn đề dòng tiền, việc duy trì tháng lương thứ 13 với nhiều công ty cũng đã khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xoay xở thưởng Tết

Ông Phạm Đức Toản - tổng giám đốc EZ Property - cho biết năm nay công ty cố gắng chi trả tháng lương thứ 13 cho cán bộ nhân viên.

"Nợ nần nhiều, dự án khó khăn, dù vậy vẫn phải cố xoay xở lo cho anh em, nhiều không có nhưng cũng gắng mức cơ bản nhất", ông Toản nói với Tuổi Trẻ Online.

Luật không quy định bắt buộc phải có thưởng Tết, song lâu nay khoản này thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ, đồng hành của chủ doanh nghiệp. Đặc biệt khi khó khăn, người lao động càng mong có thưởng Tết. 

"Ai cũng muốn lo khoản thưởng Tết thật tốt cho anh em, nhưng bối cảnh năm nay thật khác", ông Toản nói. Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc này tâm sự sau 20 năm kinh doanh, cảm nhận "chưa năm nào khó khăn như năm nay". 

Quan sát các doanh nghiệp cùng ngành, vị này cho biết không chỉ doanh nghiệp nhỏ, ngay các chủ đầu tư lớn năm nay cũng khó.

"Nhiều doanh nghiệp cắt giảm gần hết nhân sự, chỉ còn giữ lại bộ khung quản lý, còn nhân viên nghỉ hết. Cả công ty quay đi quay lại chỉ còn tổng giám đốc, giám đốc, trưởng phòng… Nhận lương thấp, nhiều người lao động cũng chủ động nghỉ", ông Toản nói.

Ông N.V.Q - giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Hải Dương - còn cho biết 1/3 nhân sự công ty đã tạm nghỉ không lương. Duy trì tiền lương đều đặn đã khó, huống hồ thưởng Tết, vị lãnh đạo doanh nghiệp than thở.

Nhắc đến một câu nói về thưởng Tết năm nay đang được chia sẻ nhiều trên mạng "Đừng hỏi có thưởng Tết hay không, bây giờ là lúc trả lời câu hỏi chúng ta có tồn tại hay không?", ông Q. tỏ ra đồng tình.

"Giá tiền thuê đất cao, dự án mới tắc, dự án cũ thanh khoản kém, ai mua bán gì đâu, doanh nghiệp cạn tiền, muốn thưởng cũng khó", ông Q. nói thêm.

Ông Trần Khánh Quang - tổng giám đốc Công ty đầu tư bất động sản Việt An Hòa - cho rằng khó khăn lớn nhất năm nay của doanh nghiệp địa ốc là vấn đề dòng tiền. Cái khó này, theo ông Quang, đã kéo dài 5 quý liên tiếp, đến nay chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô nhân sự 50-80% vì không đủ tiền trả lương, đừng nói đến thưởng Tết to, ông Quang nhìn nhận.

Nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa trước Tết âm lịch

Ông Nguyễn Văn Đính - chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cũng cho biết năm nay thưởng Tết là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp bất động sản. Tỉ lệ thưởng Tết ở mức lớn hoặc "kha khá" có nhưng sẽ không phổ biến.

"Nhiều ông chủ doanh nghiệp cũng muốn có những động viên, quan tâm đối với nhân viên, cố gắng duy trì và tạo động lực cống hiến cho nhân viên. Nhưng… tiền không có", ông Đính nói.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản, có nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch tạm đóng cửa vào tháng 1-2024 bởi không đủ lực để duy trì tiếp hoạt động, cũng có nơi định đóng cửa hẳn. "Con số này sẽ không nhỏ", ông Đính nói với Tuổi Trẻ Online.

Ông Đính cho biết thực trạng các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt: Dự án mới ách tắc, nằm chờ tháo gỡ, dự án hiện hữu bán lại khó, nguồn vốn không có, vay mượn khó khăn.

"Có những doanh nghiệp đang trong giai đoạn giãn hoãn nợ trái phiếu, vỡ nợ chực chờ nếu không thu xếp được tiền trả, trong khi thời gian giãn hoãn theo nghị định 08 cũng sắp hết. Những doanh nghiệp này hầu như chắc chắn không có thưởng", ông Đính cho hay.

Lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản cho biết trong bối cảnh rất cần sự chia sẻ của cán bộ nhân viên với lãnh đạo doanh nghiệp, khi dự án được tháo gỡ, dòng tiền trở lại, lợi nhuận có, sẽ là cơ sở trích ra để chi trả chế độ cho người lao động.

Ông Trần Khánh Quang cũng nhấn mạnh cần có sự cảm thông, chia sẻ giữa người lao động với lãnh đạo doanh nghiệp thời điểm hiện nay.

Chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp đều đang cố gắng tìm mọi cách tháo gỡ thị trường. Thị trường bắt đầu dần xuất hiện những tín hiệu phục hồi. "Chỉ khi dự án được tháo gỡ, dòng tiền trở lại, lương thưởng mới đủ được", ông Quang nói.

Cũng theo quan sát của ông Quang, nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng tìm mọi cách giữ chân người lao động, chủ động linh hoạt ứng phó bằng cách thưởng cổ phiếu, bán cổ phiếu 0 đồng. "Đây là cách thưởng mà cả doanh nghiệp, người lao động cùng hướng về tương lai", ông Quang chia sẻ.

Đánh giá về khả năng phục hồi thị trường, ông Đính cũng cho biết đã và đang có dấu hiệu phục hồi. Khi các chính sách vĩ mô có độ ngậm, sự phục hồi sẽ dần tích cực hơn.

Tuy nhiên, ông vẫn còn những lo ngại nhất định khi nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ. Một số luật về bất động sản đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực, một số chưa được thông qua./.

Theo TTO

Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-dong-san-nam-nay-luong-thang-con-kho-noi-gi-thuong-tet-20231226132121352.htm

Chia sẻ bài viết