Tiếng Việt | English

29/08/2016 - 22:05

Bé gái mắc bệnh "mai rùa” hiếm gặp đã được phẫu thuật thành công

Bé gái Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi, ngụ Sóc Trăng) mang khối bướu khổng lồ trên lưng. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Chiều 29/8, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa phẫu thuật thành công ca bệnh hy hữu lấy “mai rùa” ra khỏi lưng bé Trần Thị Ngọc Thắm, 10 tuổi, quê Sóc Trăng. Đây là một trong 2 trường hợp mắc bệnh lạ trên thế giới, sau trường hợp cậu bé mai rùa người Colombia được biết đến năm 2012 và đã được phẫu thuật tại Anh năm 2015.

Theo bác sỹ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, người phụ trách phẫu thuật chính, đây là khối bướu hắc tố bẩm sinh có màu đen, bề mặt sần sùi, có lông và rất nhiều nốt ruồi vây quanh. Đường kính của khối bướu này lớn hơn 22cm, úp trọn lên lưng bệnh nhân. Sau khi xem xét ca bệnh, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối bướu, bởi nếu để càng lâu thì càng khó phẫu thuật và bướu có khả năng gây ung thư.

Cũng theo bác sỹ Hiếu, điều lo lắng nhất của ca mổ này là việc thiếu lớp da để ghép vào vùng da lưng bị mất. Để giải quyết khó khăn này, các bác sỹ phải dùng máy cán da để kéo dài thêm miếng da lấy ở đùi trái và bên hông. Với máy cán da này, diện tích lớp da để ghép có thể tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy, phần da bị lấy của bệnh nhi được hạn chế tối đa, thay vì phải lấy luôn cả phần da ở bụng như dự định.  

Bác sỹ thăm khám cho bé Thắm sau phẫu thuật. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Phần da ghép vào sẽ có hình lưới nhưng chỉ sau một thời gian, các lớp da sẽ kéo lại để da trở nên nguyên vẹn. Ngoài việc lấy ra hoàn toàn khối bướu hắc tố khổng lồ, các bác sỹ còn dùng điện để đốt những nốt ruồi xung quanh, rất may khối bướu này không lấn vào các phần cơ xương khác.

Trước đó, mẹ của bệnh nhi cho biết, khi bé mới sinh ra, khối bướu chỉ to cỡ quả quýt và cứ lớn dần lên, khối bướu thường làm bé ngứa ngáy, khó ngủ. Khối bướu cũng khiến bé mang mặc cảm tự ti khi giao tiếp với người khác. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và dự kiến sau 2 tuần nằm viện theo dõi, bé Trần Thị Ngọc Thắm sẽ bình phục và có thể sinh hoạt như bình thường. Các bác sỹ cũng làm các xét nghiệm để xác định các mô bướu là lành hay ác tính, tuy nhiên phải sau 3 ngày nữa mới có kết quả./.

H.Chung/TTXVN

Chia sẻ bài viết