Tiếng Việt | English

25/12/2018 - 18:07

Bệnh đái tháo đường - "Kẻ giết người" thầm lặng

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) được cho là “kẻ giết người” thầm lặng, vì bệnh tiến triển âm thầm và gây nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng. Những năm gần đây, bệnh phát triển nhanh, nhất là ở trẻ em. Vì vậy, tìm hiểu và phòng bệnh ĐTĐ là việc làm cần thiết.

Người bệnh được khám, tư vấn về chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực

Người bệnh được khám, tư vấn về chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực

Đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là bệnh mãn tính không lây do rối loạn chuyển hóa đường, kèm theo nhiều rối loạn chuyển hóa khác, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Người có nguy cơ mắc bệnh cao như trong gia đình có người ruột thịt mắc ĐTĐ; người càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh, nhất là người trên 45 tuổi; người thừa cân, béo phì; người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; người ít vận động;…

Ở tỉnh, chương trình phòng, chống bệnh ĐTĐ được triển khai tích cực nhiều năm qua. Hàng năm, ngoài đẩy mạnh truyền thông, các địa phương còn tổ chức khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Tại Đức Hòa, công tác phòng, chống bệnh ĐTĐ được triển khai thực hiện từ huyện đến 17 xã, thị trấn. Theo đó, nhân viên y tế phụ trách quản lý chương trình phòng, chống bệnh ĐTĐ thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe định kỳ theo chỉ định của y, bác sĩ. Hàng tuần, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa đều tổ chức các buổi tư vấn kiến thức về bệnh cho các bệnh nhân. Nhờ đó, người bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về việc chăm sóc sức khỏe bản thân.

Bà Đặng Thị Tuyết (67 tuổi, ngụ xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Cách nay 5 năm, trong 1 lần khám sức khỏe, tôi tình cờ phát hiện mình mắc bệnh ĐTĐ. Thời gian qua, tôi luôn đến cơ sở y tế để được kiểm tra, theo dõi bệnh. Ngoài ra, tôi còn tuân thủ việc uống thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý theo khuyến cáo của bác sĩ. Nhờ đó, bệnh thuyên giảm nhiều”.

Bệnh ngày càng gia tăng do chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không hợp lý. Hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu người bị bệnh ĐTĐ. Qua các đợt khám sàng lọc, toàn tỉnh ghi nhận 80.000 trường hợp bệnh ĐTĐ và được đưa vào quản lý tại các địa phương. Tuy nhiên, số trường hợp mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng chưa được phát hiện lớn gấp nhiều lần so với số lượng bệnh ghi nhận được qua khám sàng lọc. Riêng tại huyện Tân Thạnh, qua khám sàng lọc 600 đối tượng từ 18 tuổi trở lên thì có 8,7% mắc bệnh ĐTĐ. Đây là con số đáng báo động.

Điều đáng nói là độ tuổi bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo số liệu báo cáo đánh giá nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ trẻ em năm 2018 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại Trường THCS Hòa Thành (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ), trong tổng số 32 học sinh tham gia kiểm tra sức khỏe, có 4 em tăng đường máu, 3 em tiền ĐTĐ, 1 em bị bệnh ĐTĐ và 2 em tăng huyết áp.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Bệnh ĐTĐ gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường hay gặp ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ: Béo phì, lối sống ít vận động, di truyền, tuổi cao (trên 45 tuổi), tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, các bệnh tim mạch,… Triệu chứng thường gặp là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, chậm lành vết thương. Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bất thường cần đến bác sĩ để được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết”.

Độ tuổi bệnh ngày càng trẻ hóa, vì vậy mọi người cần tạo cho các em thói quen vận động thể lực và dinh dưỡng hợp lý

Độ tuổi bệnh ngày càng trẻ hóa, vì vậy mọi người cần tạo cho các em thói quen vận động thể lực và dinh dưỡng hợp lý

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai công tác điều trị, quản lý theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức của người dân về bệnh ĐTĐ và chủ động phòng tránh.

Ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực; xây dựng lối sống lành mạnh; thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và gia đình. Đây chính là biện pháp phòng bệnh ĐTĐ hiệu quả nhất./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết