Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Long An quan tâm tư vấn giúp bệnh nhân hiểu hơn về bệnh đái tháo đường
Tại Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Long An, bình quân mỗi tháng tiếp nhận trên 2.300 lượt bệnh nhân (BN) đến khám, chữa bệnh ngoại trú; đồng thời, mỗi ngày có từ 20-30 BN điều trị nội trú. Trong đó, một số BN tình cờ phát hiện bệnh ĐTĐ qua khám sức khỏe, xét nghiệm hay khám một bệnh khác như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, vết thương không lành, viêm phổi, lao phổi,... Do đó, ngoài điều trị bệnh, đội ngũ y, bác sĩ ở khoa còn chú trọng tư vấn, tuyên truyền giúp BN và thân nhân hiểu hơn về bệnh ĐTĐ.
Bà Phan Thị Huệ (75 tuổi), ngụ xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Tôi bị thương ở tay. Do vết thương sưng to, lâu lành nên tôi đến khám, nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Bác sĩ cho biết tôi bị ĐTĐ, hướng dẫn cách uống thuốc theo phác đồ điều trị và chế độ dinh dưỡng hợp lý”.
ĐTĐ còn gọi là bệnh tiểu đường. Đây là bệnh mãn tính không lây do rối loạn chuyển hóa đường kèm theo nhiều rối loạn chuyển hóa khác, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Người có nguy cơ mắc bệnh cao: Trong gia đình có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh ĐTĐ; càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh, nhất là người trên 45 tuổi; người thừa cân, béo phì, mắc bệnh
tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, ít vận động;...
Theo Liên đoàn ĐTĐ Thế giới (IDF), năm 2015, toàn thế giới có 415 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị ĐTĐ, tương đương cứ 11 người có 1 người bị ĐTĐ; đến năm 2040, con số này sẽ là 642 triệu người, tương đương cứ 10 người có 1 người bị ĐTĐ. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không vận động thể lực khiến bệnh ĐTĐ tuýp 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. |
Ở mọi lứa tuổi, khi thấy các biểu hiện bất thường: Luôn thấy đói và ăn nhiều; luôn thấy khát và uống nhiều; tiểu nhiều, nước tiểu ngọt nên ruồi bâu, kiến đậu; mặc dù ăn, uống nhiều nhưng lại thấy sụt cân nhiều trong thời gian ngắn, người gầy yếu, mắt nhìn mờ, tê mỏi tay chân, có vết thương lâu lành, có vấn đề về sinh hoạt tình dục, thường xuyên bị nhiễm nấm (viêm âm đạo),... thì phải đi khám ngay.
Trưởng khoa Nội Tổng hợp - bác sĩ Lê Thị Mỹ Ren khuyến cáo: “Khi thấy có dấu hiệu bất thường, cần đến bác sĩ để được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Những người béo phì hoặc có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột) bị mắc bệnh ĐTĐ thì cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Đặc biệt, cần theo dõi bệnh ngay từ giai đoạn tiền ĐTĐ, vì khi có các biểu hiện của bệnh nghĩa là mình đã bị mắc bệnh từ lâu. BN nằm viện cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý”.
Bệnh ĐTĐ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi, gây gánh nặng về sức khỏe và kinh tế. Ai cũng có thể bị mắc bệnh. Tuy là bệnh mãn tính không lây nhưng bệnh phát triển nhanh như “đại dịch”, liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động, lối sống của mỗi người.
Vì vậy, để phòng bệnh ĐTĐ, mỗi người cần phòng tránh tình trạng thừa cân, béo phì; tăng cường hoạt động thể lực; xây dựng lối sống lành mạnh và thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và gia đình.
Nhằm thực hiện Dự án Chủ động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng cùng các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Thạnh thực hiện Đề tài nghiên cứu về bệnh ĐTĐ và một số yếu tố liên quan ở người lớn hơn hoặc bằng 18 tuổi tại huyện Tân Thạnh.
Qua chọn lọc đối tượng và khám sàng lọc bệnh ĐTĐ cho 600 đối tượng từ 18 tuổi trở lên tại huyện Tân Thạnh, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở đối tượng này là 8,7%. Đây là con số đáng báo động.
Tỷ lệ bệnh ĐTĐ gia tăng theo tuổi, chiếm tỷ lệ cao ở nhóm người có trình độ văn hóa từ tiểu học trở lên. Người từ 45 tuổi trở lên nguy cơ bệnh ĐTĐ cao gấp 2,4-3,7 lần so với người dưới 45 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ nhận biết bản thân mắc bệnh là 34,61%. Đa số BN phát hiện bệnh một cách tình cờ qua khám sức khỏe, khám một bệnh khác. Kiến thức chung của người dân trong cộng đồng tại huyện Tân Thạnh về phòng, chống bệnh ĐTĐ còn thấp.
Theo đó, mô hình được đề xuất can thiệp về phòng, chống bệnh ĐTĐ trong cộng đồng dựa theo mô hình Precede - Proceed của Lawrence W. Green. Nội dung can thiệp gồm 3 thành phần: Truyền thông giáo dục sức khỏe, chiến lược tầm soát và quản lý điều trị./.
|
Ngọc Mận