Tiếng Việt | English

18/06/2022 - 15:15

Bếp ăn từ thiện - Lan tỏa yêu thương

Người góp của, người góp công để bếp ăn yêu thương tại phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An luôn đỏ lửa, mang yêu thương đến với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, bếp ăn luôn có trên 2.000 phần ăn chay miễn phí, san sẻ yêu thương cùng những mảnh đời bất hạnh để họ thêm ấm lòng.

Bếp ăn yêu thương chuẩn bị phát bánh mì chay cho người có hoàn cảnh khó khăn

Khởi động từ đầu tháng 5/2021, ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bếp ăn yêu thương được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) phường 3 thực hiện từ mục đích chia sẻ khó khăn với người già neo đơn, phụ nữ, người dân có hoàn cảnh khó khăn,... nhằm giúp họ vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống.

Địa điểm được chọn làm bếp ăn được tổ chức ngay tại nhà của chị Võ Hồng Diễm - bếp trưởng của bếp, với sự tham gia trực tiếp của hơn 20 người. Chị Diễm chia sẻ, ban đầu, một nhóm PN ở khu phố Bình Đông 1 cùng chung ý tưởng mong muốn nấu những suất ăn để dành tặng cho những người nghèo. Trước đây, các chị nấu chừng vài trăm suất ăn miễn phí, mỗi tháng 2 lần. Nhờ Chủ tịch Hội LHPNVN phường 3 - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (hiện là Phó Chủ tịch HĐND phường 3) tập hợp hội viên, PN - những người ưa thích việc thiện để chung tay lo cho xã hội mà bếp ăn đi vào hoạt động thường xuyên hơn.

Hiện nay, đều đặn mỗi tháng 2 lần (ngày 15 và 30 Âm lịch), bếp nấu trên 2.000 suất. Thực đơn rất đa dạng như bún xào, cháo, canh kiểm, bánh mì,... Khu vực bếp ăn được sắp xếp sạch sẽ và chăm chút từng công đoạn, từ khâu sơ chế nguyên liệu đến khi đóng hộp. Những suất ăn được phát tại nhà chị bếp trưởng hoặc giao cho tịnh xá Ngọc Tâm để hỗ trợ các bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Long An, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Không những vậy, định kỳ vào ngày thứ hai hàng tuần, nhóm PN này còn đến tịnh xá Ngọc Tâm để hỗ trợ nấu ăn.

Vừa chế biến thức ăn, chị Diễm bộc bạch: “Tôi cảm thấy vui vì làm được gì đó để giúp ích cho đời. Lúc đầu khi bếp chưa được nhiều người biết đến thì cũng có phần chật vật, sau này nguồn lực của bếp ổn định hơn. Không chỉ được sự tạo điều kiện của gia đình mà còn có nhiều hội viên, PN, mạnh thường quân khi nghe đến việc làm của chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp sức. Người góp công, người cho tiền, còn các tiểu thương chợ phường 1, phường 3 thì cho nhu yếu phẩm,... Ai cho gì bếp cũng quý và nhận. Vì vậy, dù có vất vả khi thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị những phần ăn nhưng chúng tôi đều cảm thấy ấm lòng”.

Bà Nguyễn Thị Tươi (80 tuổi) - thành viên cao tuổi nhất tại bếp, nói: “Bếp ăn yêu thương là mô hình đầy nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự sẻ chia, ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Tôi già rồi nên cũng không phụ giúp được gì nhiều, đến tham gia bếp chủ yếu để động viên tinh thần là chính”.

Không khí làm việc tại bếp lúc nào cũng vui nhộn. Ai cũng tất bật, làm việc đều tay với tinh thần hăng say. Để có những suất ăn nóng hổi, thơm ngọt cho mọi người, từ cách đó mấy ngày, cả nhóm chia nhau những công việc cụ thể, sơ chế những nguyên liệu cần thiết. Và mỗi lần nấu là từ 3 giờ, các chị đã thức giấc để chế biến. Thức khuya, dậy sớm có là gì so với các chị, thậm chí có những đợt, mạnh thường quân cho nguyên liệu nấu ăn là nông sản tại vườn nhà, các chị còn đến tận nơi để thu hoạch, sơ chế sơ rồi mới đem về bếp. Nói chung đó là cả một quá trình, nếu như không có cái tâm, không yêu thích công việc xã hội, có lẽ khó lòng mà thực hiện được.

Phó Chủ tịch HĐND phường 3 - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, bếp ăn yêu thương được thành lập dựa trên sự tâm huyết, đóng góp của nhiều người, trong đó có những tấm lòng thơm thảo của các mạnh thường quân. Ban đầu khi chưa được nhiều người biết đến, chị bếp trưởng là người bỏ công sức nhiều nhất. Sau này, bếp dần đi vào hoạt động ổn định và thường xuyên hơn, cũng giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Đây cũng là việc làm mà phụ nữ khu phố Bình Đông 1 học tập và làm theo lời Bác./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích