Tiếng Việt | English

29/04/2022 - 23:25

Bộ đội Cụ Hồ trên 'mặt trận' kinh tế

Từ bản lĩnh hiên ngang, bất khuất được trui rèn trong thời chiến, Bộ đội Cụ Hồ khi trở về thời bình, dù ở “mặt trận” nào, những cựu chiến binh (CCB) cũng mạnh mẽ, xung kích, nhất là trên “mặt trận” kinh tế, họ luôn tích cực phấn đấu để có thể “xung trận là chiến thắng”.

Không chùn bước trước khó khăn

Nhắc đến CCB Lê Văn Thu (hay còn gọi là ông Sáu Thu), nhiều người dân ở ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đều khâm phục ý chí vượt khó và tư duy làm kinh tế của ông. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang còn thơm mùi sơn mới, ông Sáu Thu chia sẻ: “Năm 1981, tôi vào quân ngũ, năm 1985, tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Sau đó, tôi trở về địa phương và có thời gian công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự xã Tân Chánh”.

Nhờ quyết tâm vượt khó, vươn lên, ông Lê Văn Thu trở thành một trong những hộ khá giàu của xã với cơ ngơi ngày càng khang trang

Với bản lĩnh của người Bộ đội Cụ Hồ, sau khi trở về địa phương, ông Sáu Thu tập trung phát triển kinh tế gia đình. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng nhưng không vì thế mà ông “bó tay ngắm thời cuộc”. Trăn trở tìm hướng làm giàu, việc đầu tiên ông nghĩ đến là thuê mảnh đất nhỏ để buôn bán tạp hóa và chạy xe Honda ôm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau khi tích góp được một ít vốn, ông đầu tư nuôi gà, heo. Năm 2000, khi có cơ hội, ông đầu tư nuôi tôm và thu được lợi nhuận cao. Vào thời điểm đó, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ tôm, ông Sáu Thu kiếm được 40-50 triệu đồng. Ông cũng từng có thời gian gắn bó với công việc đóng sà lan. Nhờ quyết tâm vượt khó, vươn lên, đến nay, ông Sáu Thu trở thành một trong những hộ khá giàu của xã với cơ ngơi khang trang. Từ một người phải đi thuê đất, hiện ông mua được 1ha đất để nuôi tôm.

“Trước khi làm kinh tế phải tìm hiểu kỹ, giống như tham gia trận chiến “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bên cạnh đó, phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước và chủ động nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của thị trường” - ông Sáu Thu cho biết thêm. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Đông Trung, ông tích cực giúp các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua mô hình góp vốn xoay vòng. Với những đóng góp của mình, thời gian qua, ông Sáu Thu vinh dự được nhận nhiều giấy khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, xã.

Kinh tế như trận mạc, phải tận dụng cơ hội

Từng là bộ đội tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, sau khi rời quân ngũ, ông Trần Bá Nhẫn (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Mỹ Thạnh là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Để bảo đảm chất lượng hạt gạo, nông dân chọn biện pháp sấy lúa thay thế tập quán trước đây là phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nắm bắt cơ hội, ông Nhẫn quyết tâm phát triển nghề sấy lúa. Ban đầu, ông đầu tư 1 lò sấy. Nhờ nhu cầu sấy lúa ở địa phương cao nên lò sấy giúp ông “ăn nên làm ra”. Đến nay, cơ sở của ông Nhẫn đã có 4 lò sấy hoạt động tốt, tạo việc làm thời vụ cho 10 - 15 lao động tại địa phương. Sau khi trừ chi phí, khấu hao, lợi nhuận thu được khoảng 40 - 50 triệu đồng/vụ.

Ông Trần Bá Nhẫn (đứng thứ 4, phải qua) hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh, Cựu quân nhân làm kinh tế xã Mỹ Thạnh

Bên cạnh đó, ông Nhẫn còn tích cực chuyển đổi cây trồng với mô hình trồng mai vàng. Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn mai lớn nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện vườn mai của ông có 3.500 gốc, được nhiều thương lái tìm đến mua. Bình quân mỗi gốc mai 4 năm tuổi được bán với giá từ 4 - 5 triệu đồng tùy theo thị trường. Thành công nhưng không “giấu nghề”, nếu ai muốn học hỏi kinh nghiệm, ông đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Nhẫn, làm kinh tế như trận mạc, mỗi người phải tận dụng cơ hội. Bí quyết thành công của bản thân ông để chiến thắng trên “mặt trận” kinh tế là sự chủ động vươn lên, không sợ thất bại cũng không trông chờ, ỷ lại. Ông Nhẫn hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB, Cựu quân nhân làm kinh tế của xã với 7 thành viên. Tham gia câu lạc bộ, các thành viên được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn (từ nguồn vốn xoay vòng của các thành viên đóng góp) để phát triển kinh tế.

Nhận xét về CBB Trần Bá Nhẫn, Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Thạnh - Phan Văn Hoàng cho biết: “Ông Nhẫn là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và tích cực đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động và công tác an sinh xã hội. Hàng năm, ông Nhẫn đều tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn ấp 4 và tích cực vận động mạnh thường quân tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.

Với sự phấn đấu không mệt mỏi và những đóng góp tích cực của bản thân, ông Nhẫn vinh dự được nhận Kỷ niệm chương của Trung ương Hội CCB Việt Nam cùng nhiều giấy khen của UBND huyện, Hội CCB huyện. Đây là niềm vui, động lực để ông Nhẫn tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, làm tốt công tác an sinh xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Kinh tế là “mặt trận” không tiếng súng với những chiến tuyến không có quân thù nhưng cũng đầy cam go, thử thách đòi hỏi mỗi người lính Cụ Hồ thực sự nỗ lực, quyết tâm. Và những tấm gương tiêu biểu như ông Lê Văn Thu và ông Trần Bá Nhẫn với ý chí vượt khó và tư duy làm kinh tế thật đáng khâm phục./.

H.Hương

Chia sẻ bài viết