Tiếng Việt | English

13/02/2020 - 18:50

Bộ Nông nghiệp: Phát hiện sớm và tiêu hủy các ổ dịch cúm gia cầm

Cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương phát hiện sớm, tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh.

Tiêu độc, khử trùng chuồng trại gia cầm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 11/02, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu huỷ 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh và thành phố, trong đó có 9 ổ dịch chưa qua 21 ngày, cần đặc biệt quan tâm.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 13/02, ông Nguyễn Văn Long-Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định: Các ổ dịch này xuất hiện rải rác, chỉ ở các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, hiện đã được ngành chức năng và địa phương kiểm soát kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, tổng đàn gia cầm cả nước đang là khoảng 467 triệu con, nên nếu không tiếp tục có các biện pháp quản lý và kiểm soát, dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh 5 yếu tố có thể gây bùng phát các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đó là: Mầm bệnh luôn có sẵn trong tự nhiên; mật độ đàn chăn nuôi đang ở mức rất cao; diễn biến thời tiết cực đoan tạo điều kiện cho các loại bệnh dịch phát triển; lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước rất lớn, dễ dẫn đến lây truyền và phát tán dịch bệnh; thói quan giết mổ gia súc, gia cầm truyền thống “bán sống, ăn tươi” không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. 

Vì vậy, để khống chế dịch bệnh cúm gia cầm H5N6, Bộ trưởng đề nghị các địa phương hết sức chú ý phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm mới, tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh; tất cả các tỉnh ra quân tổng vệ sinh môi trường bằng vôi bột, làm tập trung trong thời gian ngắn để ngăn chặn virus lây lan; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội lớn, gần 34 triệu con, tăng 17,2% so kỳ. Chăn nuôi nhỏ lẻ có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%). Đến nay, Hà Nội đã tiêu hủy trên 6.800 con gia cầm do bị nhiễm cúm A/H5N6.

Trước tình hình dịch bệnh và thời tiết bất thường, ông Nguyễn Huy Đăng cho hay Hà Nội đã tăng cường quản lý chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp.

Ngành chăn nuôi Hà Nội cũng phấn đấu thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố; quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung.

Đại diện ngành nông nghiệp Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có phương án hạn chế tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ; quy hoạch đưa chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư.

Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hoá chất, vật tư, vắc xin để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống dịch trên địa bàn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết