Tiếng Việt | English

03/12/2019 - 19:35

Bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

Đam mê chăn nuôi, ở tuổi 53, ông Nguyễn Minh Ngọc quyết định từ bỏ công việc thầu xây dựng ở TP.HCM với thu nhập cao, về quê làm nông nghiệp sạch.

Có nguồn thức ăn từ trùn quế, ông Nguyễn Minh Ngọc mạnh dạn ươm ếch giống

Có nguồn thức ăn từ trùn quế, ông Nguyễn Minh Ngọc mạnh dạn ươm ếch giống

Với niềm đam mê, đồng thời muốn cống hiến cho địa phương sau nhiều năm làm ăn xa, ông Ngọc quyết định trở về quê (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chăn nuôi trước sự phản đối của gia đình và bạn bè. Theo đó, gia đình và bạn bè cho rằng ông "bị điên", ai đời có công việc ổn định, thu nhập cao lại trở về quê chăn nuôi. Hơn hết, nhiều người sợ ông chăn nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân xung quanh.

Nghĩ là làm, ông mạnh dạn đầu tư lập trại nuôi trùn quế với diện tích 200m2 cung cấp cho người dân và phục vụ chăn nuôi tại chỗ với hơn 10 tấn trùn sinh khối mỗi năm. Điều đặc biệt là ông không nuôi trùn quế bằng phân bò, gà như cách nuôi truyền thống vì dễ gây ô nhiễm môi trường mà tận dụng nguồn lục bình thiên nhiên để làm thức ăn cho chúng. Với ý tưởng độc đáo của mình, ông Ngọc đã biến loài vật này thành “máy xử lý rác” nông nghiệp, góp phần giải quyết vấn nạn lục bình trên các sông, rạch ở khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Ông Ngọc chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng nuôi trùn quế thử nghiệm bằng các loại thức ăn khác nhau như rau, củ, phân bò, gà,... Tuy nhiên, nguồn thức ăn này không ổn định, gây ô nhiễm môi trường nên tôi quyết định dùng lục bình để làm thức ăn cho trùn quế. Đây là nguồn thức ăn rất dồi dào, không phải tốn chi phí nhiều. Lục bình cắt lên sau đó xay nhuyễn và ủ khoảng 3 ngày là có thể làm thức ăn cho trùn quế”.

Trùn quế là nguồn thức ăn giàu chất đạm, cải thiện sức sống của nhiều vật nuôi như cá, gà, ếch,... Ngoài ra, phân của trùn quế còn là một loại phân hữu cơ phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Giá bán trùn quế dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg; phân trùn quế 3.000 đồng/kg. Ông Ngô Văn Phỉ, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi nuôi 5.000 con ếch thương phẩm. Từ khi mua thêm trùn quế làm thức ăn, ếch của tôi ít bệnh, năng suất tăng, thời gian chăn nuôi ngắn. Nhờ vậy, gia đình tôi có lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với trước đây”.

Có trùn quế làm nguồn thức ăn bổ sung, ông Ngọc mạnh dạn nuôi ếch sinh sản với gần 4.000 con, mỗi năm cho ra đời hơn 2,5 triệu con ếch giống, vừa cung cấp cho thị trường, vừa dành lại một phần để nuôi thương phẩm. Hiện ông thả nuôi hơn 50.000 con ếch thịt trong vèo. Phía dưới vèo, ông tận dụng nguồn thức ăn thừa để nuôi cá, nguồn cá này cũng do ông ươm giống nên không phải tốn bất kỳ chi phí nào. Với định hướng làm nông nghiệp sạch, ông Ngọc kiên quyết nói “không” với thuốc kích thích sinh trưởng và kháng sinh mà thay vào đó là dùng trùn quế bổ sung đạm, dinh dưỡng và các loại thuốc Nam có trong tự nhiên như dây giác, cỏ mực, tỏi,… để phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trên ếch.

Trùn quế là nguồn thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cá, ếch, lươn,...

Trùn quế là nguồn thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cá, ếch, lươn,...

Với mô hình khép kín tạo ra giá trị kinh tế cao từ nhiều sản phẩm chăn nuôi, chỉ sau 1 năm gắn bó với nông nghiệp, ông Ngọc đã gặt hái thành công ngoài mong đợi với lợi nhuận hơn 800 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Trúc Kiều - cán bộ Khuyến nông xã Kiến Bình, cho biết: “Mô hình nuôi trùn quế, ếch, cá của ông Ngọc rất hiệu quả. Hiện nay, ông Ngọc luôn sẵn sàng hỗ trợ 1/2 giá đầu vào và bao tiêu đầu ra cho người dân khi đến hợp tác làm ăn, mua con giống. Mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân Kiến Bình nói riêng, Tân Thạnh nói chung trong việc sản xuất nông nghiệp sạch”.

Hiện ông Ngọc tiếp tục mở rộng quy mô, đối tượng chăn nuôi, đẩy mạnh nguồn cung, không chỉ đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cho người dân mà quan trọng hơn hết là giúp nông dân làm nông nghiệp sạch vì sức khỏe người tiêu dùng./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết