Tiếng Việt | English

03/05/2025 - 16:31

Bộ trưởng Y tế báo cáo việc thực hiện lời hứa quản lý dược phẩm, mỹ phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo Quốc hội việc thực hiện lời hứa tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước trong lĩnh vực y tế, trong đó có tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.

Bộ trưởng Y tế báo cáo việc thực hiện lời hứa quản lý dược phẩm, mỹ phẩm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại Quốc hội

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo về việc tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm.

Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan (công an, quản lý thị trường, các cơ quan truyền thông) để trao đổi, xác minh thông tin về mỹ phẩm, phục vụ công tác điều tra, xử lý mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại, mỹ phẩm không đạt chất lượng. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã thu hồi 58 số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm (56 từ hậu kiểm của Bộ Y tế, 1 từ sở y tế, 1 từ giám sát chất lượng), 2 sản phẩm vi phạm nhãn và 33 sản phẩm vi phạm sản xuất, ghi nhãn (do sở y tế chuyển). Đình chỉ, thu hồi 9 sản phẩm không đạt chất lượng, tiêu hủy lô không đảm bảo, xử phạt gần 600 triệu đồng.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, từ đầu năm 2025, Bộ Y tế đã tăng cường rà soát hoạt động kinh doanh và quảng cáo thuốc trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội.

Cục Quản lý dược đã ban hành 4 công văn chuyển hồ sơ vi phạm cho các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính.

Cục Quản lý dược cũng đã xử lý 3 sản phẩm mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không đúng với hồ sơ công bố, đồng thời phối hợp các cơ quan truyền thông để xác minh và cung cấp thông tin về các trường hợp quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm là thuốc.

Xây dựng nghị định quản lý mỹ phẩm vào tháng 9

Về kiểm tra, hậu kiểm với mỹ phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ còn nhiều khó khăn. Theo đó, công tác hậu kiểm mỹ phẩm theo Hiệp định mỹ phẩm ASEAN đòi hỏi tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhưng nguồn lực tại Trung ương và địa phương còn thiếu, một số sở y tế chưa có cán bộ chuyên trách.

Trong khi các sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số (Bộ Công thương) quản lý. Trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội điện tử thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) quản lý. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý thì chưa có.

Bà Lan nêu rõ, hình thức kinh doanh này gây khó khăn trong quản lý, giám sát an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nói chung và mỹ phẩm nói riêng.

Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm chủ yếu là vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong áp dụng tiêu chuẩn CGMP - ASEAN, thiếu đầu tư vào nhân sự, thiết bị. Ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và kiến thức sử dụng mỹ phẩm an toàn của người tiêu dùng còn hạn chế.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng nghị định quản lý mỹ phẩm, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9 năm nay. Cùng đó, triển khai phần mềm quản lý mỹ phẩm đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết công bố mỹ phẩm và kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia để truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, bà Lan cho hay, sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để chống hàng giả, gian lận thương mại trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Với thực phẩm chức năng, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác hậu kiểm, trong đó tập trung kiểm tra nhóm mặt hàng thực phẩm chức năng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Từ ngày 01/1 - 14/4, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 7 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt gần 370 triệu đồng...

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-truong-y-te-bao-cao-viec-thuc-hien-loi-hua-quan-ly-duoc-pham-my-pham-185250503143258145.htm

Chia sẻ bài viết