Khu vực phong tỏa ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Nhà tôi gồm 2 vợ chồng và ba mẹ lớn tuổi (1 người 60, 1 người 70) và 1 em nhỏ 11 tuổi hôm nay đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính.
Gia đình tôi đang tự điều trị tại nhà, hôm nay ngày đầu mọi người vẫn ổn. Tất cả người trong gia đình đã tiêm mũi 1 vắc xin, mong được bác sĩ tư vấn thêm.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, trưởng khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trả lời:
- Xin được chia sẻ với khó khăn mà gia đình bạn đang trải qua. Thông thường, trong tuần đầu của bệnh COVID-19, các triệu chứng tương đối nhẹ và chưa có nguy cơ đe dọa tính mạng. Bạn cần đặc biệt chú ý từ ngày thứ 5-10 của bệnh. Hy vọng gia đình bạn đã được tiêm 1 mũi vắc xin nên các triệu chứng bệnh sẽ nhẹ hơn.
Bạn cùng gia đình cần tiếp tục theo dõi sát sức khỏe, thực hiện các biện pháp sau (bạn tham khảo công văn số: 5627/SYT-NVY V/v cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" (phiên bản 1.2) của Sở Y tế TP.HCM ngày 15-8-2021 nhé):
Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
- Thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo...
- Đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử".
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước.
- Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
- Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (tổng đài "1022", số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố Thủ Đức).
- Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm "khai báo y tế điện tử" mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.
- Chuẩn bị các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus và các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định (riêng thuốc kháng virus sẽ có hướng dẫn sử dụng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế).
Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
a. Thuốc kháng viêm corticoid, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau - Dexamethasone + Liều lượng: người lớn: 6 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau: - Prednisolone + Liều lượng: người lớn: 40 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
- Hoặc: Methylprednisolone + Liều lượng: người lớn: 16 mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ, uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).
Lưu ý: + Người có bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày.
+ Nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.
b. Thuốc kháng đông dạng uống, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau (*):- Rivaroxaban + Liều lượng: 10mg, uống 1 lần/ngày.
- Hoặc: Apixaban + Liều lượng: 2,5mg, uống 2 lần/ngày. - Hoặc: Dabigatran + Liều lượng: 220mg, uống 1 lần/ngày.
Lưu ý: + Thời gian sử dụng tối đa 7 ngày.
+ Chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi.
+ Chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu.
+ Khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...)./.
Theo TTO