Tiếng Việt | English

03/03/2020 - 16:04

Cà Mau: Công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa

Đến đầu tháng 3/2020, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau khô cạn gần như hoàn toàn.

Hiện trạng đoạn đê biển Tây vừa bị sụp lún. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)
Ngày 03/3, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chính thức ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh là Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, Ủy ban Nhân dân 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán theo Kế hoạch số 142 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành về phòng, chống, khắc phục thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán; huy động mọi nguồn lực triển khai ngay phương án ứng phó hạn hán theo phương án, kịch bản ứng phó với rủi ro thiên tai trên địa bàn do hạn hán cấp độ 2 đã được phê duyệt.

Trước mắt, các cơ quan, đơn vị phối hợp kiểm tra, gia cố, lựa chọn giải pháp phù hợp và tổ chức triển khai xử lý kịp thời các sự cố công trình khẩn cấp theo quy định về tình huống khẩn cấp đối với các dự án, công trình cấp bách ứng phó với hạn hán trong vùng thiên tai theo đúng quy định hiện hành và đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân bị thiếu nước ngọt trong vùng thiên tai.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... và Ủy ban Nhân dân 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn để thực hiện khẩn cấp các dự án, công trình ứng phó với hạn hán.

Sở Giao thông và Vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn chính quyền địa phương, người dân trong vùng thiên tai thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụp lún đất; tổ chức lập phương án và triển khai sửa chữa các tuyến đường giao thông bị sụp lún, sạt lở hoặc đang có nguy cơ sụp lún, sạt lở nguy hiểm do hạn hán gây ra nhằm đảm bảo an toàn lưu thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Các Sở, ngành, địa phương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Như TTXVN đã đưa tin, đến đầu tháng 3/2020, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau khô cạn gần như hoàn toàn.

Thực tế trên đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu các công trình về giao thông, thủy lợi của tỉnh Cà Mau.

Số liệu thống kê mới đây của cơ quan chức năng cho thấy, chỉ riêng huyện Trần Văn Thời đã có khoảng 1.000 điểm sạt lở gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 22km.

Tình trạng xâm nhập mặn không chỉ diễn ra nghiêm trọng tại cống ngăn mặn Trùm Thuật Nam mà còn đang diễn ra tại 18 tuyến cống ngăn mặn khác. Khô hạn cũng làm thiệt hại hơn 18.000 ha lúa, hoa màu.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 20.000 hộ dân vùng ngọt hóa đang thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết