Tuy nhiên, dù bạn uống trà hay cà phê, những nghiên cứu mới nhất dưới đây về lợi ích đối với sức khỏe của hai loại đồ uống trên có thể giúp bạn cảm thấy yên tâm phần nào.
Sau nhiều năm nghiên cứu những đồ uống chứa caffein, cho đến nay, chúng ta dường như đang bị dao động giữa những cảnh báo tiêu cực và những lợi ích tích cực về các loại đồ uống vốn rất được yêu thích này. Gần đây, nhìn chung các nghiên cứu khoa học về cà phê và trà đều cho kết quả tích cực.
Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư thuộc Tổ chức y tế thế giới WHO mới đây đã loại cà phê ra khỏi danh sách các chất có khả năng gây ung thư, và một số nghiên cứu còn cho thấy nó có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng tái phát sau khi điều trị. Các nghiên cứu khác còn đưa ra giả thuyết rằng uống cà phê có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer và Parkinson.
Thật khó để đánh giá trà hay cà phê - loại nào tốt cho sức khỏe
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người uống trà có tỷ lệ mắc các bệnh ung thư da, ung thư vú và tuyến tiền liệt khá thấp. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng xác định chính xác cơ chế của tác dụng này. Trà, đặc biệt là trà xanh, rất giàu các hợp chất như chất chống oxy hóa có thể hạn chế tổn thương tế bào và tăng cường hệ miễn dịch; và polyphenol là chất đã được chứng minh làm giảm huyết áp và cholesterol.
Uống trà cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer bằng một loại polyphenol có tên là EGCG, giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông được cho là sẽ dẫn đến những bệnh gây tổn thương não.
Vậy trà hay cà phê tốt cho sức khỏe của bạn hơn?
Các chuyên gia nói rằng thật khó để trả lời câu hỏi này. Bởi vì rất khó để tách biệt các thành phần khác nhau và vai trò của chúng trong chế độ ăn uống của bạn, đồng thời tác dụng của chúng trên mỗi cơ thể cũng khác nhau.
Bác sỹ Elliott Miller, một chuyên gia y khoa tại Viện Y học Quốc gia Mỹ nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang trong quá trình đánh giá lại cà phê và trà, và những tác dụng của chúng lên tất cả các chứng bệnh bao gồm cả bệnh ung thư, bệnh tiêu hóa và tim mạch".
Bác sỹ Miller và đồng nghiệp của ông gần đây đã nghiên cứu các dấu hiệu của bệnh tim ở hơn 6.800 người có hoàn cảnh khác nhau trên toàn nước Mỹ. Khoảng 75% trong số họ uống cà phê, trong khi khoảng 40% còn lại uống trà. Việc thường xuyên uống nhiều hơn một tách trà có thể giúp giảm tích tụ canxi trong động mạch cung cấp máu cho tim, giúp ngăn ngừa bệnh tim.
“Cà phê không có những ảnh hưởng tương tự như trên đối với bệnh tim, nhưng nó cũng có những tác dụng riêng”, BS Miller nói.
Các bệnh nhân thường hỏi bác sĩ của họ, “Tôi mắc bệnh động mạch vành, hoặc tôi có nguy cơ bị bệnh cao huyết áp hoặc cholesterol. Liệu tôi có uống được cà phê không?". Bởi vì mọi người đều nghĩ rằng uống cà phê sẽ làm tăng nhịp timcủa bạn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, việc chỉ ra rằng nhận định này chỉ mang tính chất tương đối, tôi nghĩ là khá quan trọng" – BS Miller cho biết.
Cả cà phê và trà có khả năng chống ung thư đang được nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu nói rằng thật khó để xác định một cách chính xác hai loại đồ uống này có tác động như thế nào đến sức khỏe của chúng ta. Theo bà Lisa Cimperman, một chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Trung tâm Y tế ca bệnh, Bệnh viện Đại học tại Mỹ: “Cả cà phê và trà đều là "đồ uống phức hợp" có chứa nhiều thành phần bao gồm caffeine, polyphenol, và chất chống oxy hóa – là những hợp chất có khả năng chống ung thư đang được các nhà khoa học nghiên cứu.
“Các hợp chất này phát huy tác dụng khi chúng có sự tương tác lẫn nhau nhiều hơn là khi chúng tồn tại như những hợp chất tách biệt" - bà Cimperman nhấn mạnh.
Một số nhà nghiên cứu đã cố gắng tách một thành phần trong trà hoặc cà phê mà họ nghĩ chính là yếu tố quyết định nên một vài tác dụng cụ thể, nhưng sau đó họ nhận ra rằng chúng không phát huy tác dụng như họ đã nghĩ".
Bà Cimperman cho rằng, uống trà sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và bệnh tim mạch, hỗ trợ giảm cân, và củng cố hệ thống miễn dịch của bạn. Trong khi đó, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng uống cà phê là cách hữu hiệu để đẩy lùi không chỉ bệnh Parkinson mà còn cả bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh gan, và các vấn đề tim mạch.
Theo một nghiên cứu gần đây được phát triển bởi bác sĩ Charles Fuchs, Giám đốc Trung tâm Ung thư đường tiêu hóa thuộc Viện Ung thư Dana Farber, thành phố Boston (Mỹ) cho thấy, việc uống cà phê thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa tái phát ung thư đại tràng sau điều trị.
Nghiên cứu này được thực hiện trên gần 1.000 bệnh nhân. Bác sĩ Fuchs cho rằng, có một mối liên quan rõ ràng giữa việc uống cà phê và giảm nguy cơ tái phát ung thư đại tràng ở những người uống nhiều hơn 4 tách cà phê một ngày. "Càng uống nhiều cà phê, nguy cơ tái phát càng giảm". Nhưng các nhà nghiên cứu cũng không chắc chắn về thành phần cụ thể nào trong cà phê đã tạo nên kết quả đó, và dường như không có bất kỳ tác dụng nào tương tự ở việc uống trà.
"Tôi nghĩ bạn không cần phải lo ngại về việc uống nhiều hơn hai ly cà phê mỗi ngày, chắc chắn việc đó sẽ có lợi cho bạn," bác sỹ Fuchs nói.
Còn những người không uống cà phê thì sao? "Nếu có một người ghét uống cà phê hỏi tôi: “Có nên uống cà phê không?" Tôi sẽ trả lời “Không”. Nhưng tôi sẽ tư vấn cho họ về các biện pháp mang lại lợi ích tương tự cà phê, như chế độ ăn uống và tập thể dục, tránh béo phì.”
Những nhà nghiên cứu khác lại đang đặt ra câu hỏi về vai trò của di truyền và lối sống tác động thế nào lên những ảnh hưởng của trà và cà phê. Ví dụ, khi cà phê kết hợp với thuốc lá sẽ gây ung thư và bệnh tim mạch.
“Cơ thể một số người sẽ hấp thụ cà phê theo cách khác những người còn lại. Trong khi đó những người thích uống trà phản ánh những thói quen sống lành mạnh hơn những người thích uống cà phê” - bác sỹ Martha Gulati, Trưởng khoa tim mạch tại Đại học y khoa Arizona thuộc Phoenix, Mỹ nói.
Liệu có phải một người uống trà sẽ tập yoga hoặc thiền nhiều hơn? - bác sỹ Gulati lý giải: "Không nhất thiết phải nói rằng chúng có mối liên quan, nhưng liệu họ có tập thể dục nhiều hơn những người uống cà phê hay không?.
Liệu có phải uống trà xanh sẽ giúp họ duy trì cân nặng tốt hơn so với các loại thức uống khác không?"
Và Robert Eckel, một bác sĩ nội tiết tại Đại học Denver, nói rằng một chế độ ăn uống lành mạnh “có lẽ là yếu tố quan trọng nhất" để ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Đó là chế độ ăn uống bao gồm các loại trái cây và rau quả, ngũ cốc, thịt nạc gia cầm, cá, các loại đậu, các loại hạt, và tránh chất béo bão hòa. Bạn hãy luôn duy trì chế độ ăn uống như vậy” - bác sỹ Eckel nói.
Quy định của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về cà phê cảnh báo rằng bất kỳ loại thức uống nóng nào cũng có thể làm bạn tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, trong khi bác sỹ Cimperman khuyên bạn không nên cho quá nhiều kem và đường vào đồ uống để không làm giảm những tác dụng có lợi của nó.
Bác sỹ Cimperman nêu rõ: “Không có loại đồ uống hay thực phẩm nào có thể quyết định hoặc phá hỏng chế độ ăn uống của bạn. Hiệu quả của chế độ ăn uống luôn tùy thuộc vào sự kết hợp của rất nhiều các thành phần”./.
Hằng Lê/VOV.VN