Tiếng Việt | English

11/04/2017 - 19:51

Các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Chiều 11/4, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị sơ kết “Kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Long An”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chủ trì hội nghị.

Các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ảnh minh họa: Duy Bằng

Đến thời điểm này, tỉnh triển khai 6 cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông dân: Chính sách hỗ trợ nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười; chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ; chính sách hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh heo tai xanh; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 70 tỉ đồng (từ năm 2011 đến nay).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, hiện nay, các chính sách góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, làm đòn bẩy đưa sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả và chất lượng, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung của tỉnh.

Điển hình như: Vùng lúa chất lượng cao Đồng Tháp Mười, vùng rau thực phẩm (Cần Đước, Cần Giuộc), vùng chanh (Bến Lức, Đức Huệ), vùng thanh long (Châu Thành), nuôi thủy sản nước lợ vùng hạ, nuôi thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười, nuôi bò sữa Đức Hòa,...; thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, các chính sách triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập: Việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương do HĐND tỉnh ban hành còn chậm; trong triển khai thực hiện, một số chính sách bộc lộ những bất cập như các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn để được hưởng chính sách hỗ trợ có điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm tự nhiên của từng nơi; hồ sơ, thủ tục, quy trình xem xét để nhận hỗ trợ từ một số chính sách còn phức tạp.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đê bao lửng, trạm bơm có những mặt chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; việc liên kết, hợp tác hóa nông nghiệp, nông thôn còn thấp, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) chưa cao, làm ảnh hưởng đến việc nhân rộng các cánh đồng lớn; người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn và gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước; giá đầu vào, đầu ra trong sản xuất chưa ổn định, thiếu bền vững.

Ông Phạm Văn Cảnh chỉ đạo, thời gian tới, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương và địa phương ban hành. Các ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, cùng vào cuộc thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, thực hiện rà soát, chuyển giao đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các đề tài, kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ.

Đồng thời, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên trong liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp (giao thông, thủy lợi, đê bao lửng, trạm bơm điện,...)./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết