Tiếng Việt | English

27/09/2016 - 16:18

Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với quy hoạch

Sáng 27/9, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, tổ chức hội nghị chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng Đồng bằng sông Cửu long, kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.


Đại diện lãnh đạo 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác

Về phía tỉnh Long An, Bí thư Tỉnh ủy – Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Xuân Cường nhận định, qua thời gian thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Theo đó, vùng Đồng bằng sông Cửu long trở thành trung tâm chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam tham gia trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Cụ thể, Đồng bằng sông Cửu long đóng góp hơn 40% giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp, 70% sản lượng trái cây, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.


Giai đoạn 2016 – 2020, Long An sẽ xây dựng 110.000ha cánh đồng lớn. Ảnh Lê Huỳnh

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2016, biến đổi khí hậu gây tác động tiêu cực đến môi trường, đe dọa tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp. Do vậy, trong hội nghị này, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cần xác định rõ cơ chế, hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản chủ lực của vùng, đề xuất những giải pháp thực hiện định hướng mang tầm chiến lược giúp ngành có những cải cách thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững.


Để thanh long phát triển bền vững, nông dân đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ảnh: Hồng Anh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - Vương Đình Huệ ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu long về kết quả 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng đồng tình với giải pháp các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học nêu ra, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cập nhật, theo dõi tình trạng biến đổi khí hậu, sớm hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi đất trồng lúa trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực, gắn sản xuất với tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.

Về liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các địa phương lựa chọn sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm phù hợp với đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, gắn kinh tế hộ với mô hình kinh tế hợp tác, sớm triển khai liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, ứng dụng khoa học công nghệ cần cân nhắc trong đầu tư để tránh dàn trải, lãng phí,… góp phần xây dựng ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tìm giống kháng, giống thích nghi với điều kiện môi trường. Ảnh: Lê Huỳnh

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác thực hiện Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết