Cần có thêm chính sách hỗ trợ
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 2-2016, trên địa bàn tỉnh có 7.032 doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có trên 90% DNNVV, mỗi DN kinh doanh trong một lĩnh vực, ngành hàng khác nhau nên gặp những khó khăn riêng. Do vậy, Nhà nước cần tạo cơ hội cho các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng.
Thực tế cho thấy, hiện nay, chính sách tín dụng của hầu hết các ngân hàng thương mại còn quá bó hẹp với khách hàng “truyền thống” nên thường xem nhẹ số DN mới khởi nghiệp hoặc sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ (mà trong đó đa phần là DNNVV).
Các DNNVV cần có sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển
Chia sẻ với chúng tôi những khó khăn của ngân hàng khi cho DNNVV vay vốn, đại diện các ngân hàng đều cho rằng, một trong những vấn đề mà ngân hàng đang gặp phải là thiếu nguồn vốn trung và dài hạn ổn định với lãi suất hợp lý để đáp ứng nhu cầu của DNNVV như hiện nay.
Trong đó, nếu có, chính sách sẽ thường xuyên ưu tiên xem xét, hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh có ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ - thông tin, truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường,... công nghệ năng lượng mới và các DN thuộc nhóm ngành công nghiệp được hỗ trợ theo Quyết định 3533/QĐ-UBND ngày 10-10-2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng 2030.
Ngoài ra, các chính sách sẽ tập trung hỗ trợ cho các DN trong hoạt động xây dựng, áp dụng các hệ thống, mô hình quản lý chất lượng, các công cụ nhằm cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mã số, mã vạch;…
Riêng các DN tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, nếu đạt giải Vàng sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng với DN nhỏ và 35 triệu đồng với DN vừa, nếu đạt giải Bạc được hỗ trợ 20 triệu đồng với DN nhỏ và 25 triệu đồng với DN vừa. Các DN đạt giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương hoặc các giải thưởng Chất lượng quốc tế khác được đề cử tham gia theo hệ thống giải thưởng Chất lượng Quốc gia, DN nhỏ được hỗ trợ 40 triệu đồng, còn DN vừa là 60 triệu đồng.
Liên kết để cùng phát triển
Nói đến mục tiêu "liên kết để cùng phát triển", Giám đốc siêu thị Co.op Mart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh cho rằng: "Việc liên kết nhà bán lẻ với các nhà sản xuất cũng cực kỳ quan trọng. Ngoài chuyện quảng bá, giới thiệu, trưng bày hàng hóa,... việc liên kết thông tin sẽ giúp nhà bán lẻ và DN kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Chẳng hạn nếu có một sự "phản ánh" tiêu cực nào đó từ khách hàng, siêu thị sẽ lập tức báo liền cho DN và ngược lại, DN tiếp thu và điều chỉnh ngay để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng khi nhận được sự phản hồi từ siêu thị. Nếu mối liên kết này chặt chẽ, cả siêu thị và nhà sản xuất đều có lợi".
Các DNNVV cần phải thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, quản lý, xây dựng văn hóa, thương hiệu,… để thích ứng với nhu cầu thị trường
Thực tế cho thấy, để thực hiện những giải pháp Chính phủ đề ra, trước khi nói đến sự liên kết giữa các DN, không thể không đề cập sự chuyển biến đồng bộ của cả DN và bộ máy quản lý. Đó cũng là một dạng "liên kết" giữa cơ quan chức năng với DN nhằm góp phần hỗ trợ các DNNVV.
Trong việc thực hiện hỗ trợ lãi suất 4% trong chương trình kích cầu của Chính phủ, DNNVV rất khó tiếp cận, do thủ tục xét duyệt cho vay của các ngân hàng thương mại với những điều kiện quá khắt khe, hồ sơ, giấy tờ và chứng từ khiến cho các DN phải đi lại nhiều lần để bổ túc hồ sơ.
Đại diện lãnh đạo một DN sản xuất hàng thực phẩm trên địa bàn huyện Đức Hòa chia sẻ: "Hiện nay, chúng ta đang tích cực xây dựng hệ thống phân phối nội địa, tăng cường công tác tuyên truyền đưa hàng hóa về nông thôn, thế nhưng thuế VAT của hầu hết các mặt hàng vẫn giữ nguyên chứ chưa được giảm (cùng một loại hàng hóa, khi xuất khẩu thì được khấu trừ thuế VAT còn bán trong nước thì phải chịu thuế VAT), chính việc này cũng đang gây khó khăn lớn cho việc tổ chức mạng lưới phân phối nội địa và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng sản xuất trong nước của các DNNVV".
Từ nhiều năm nay, các quan hệ liên kết, liên doanh được thực hiện giữa các DN, giữa các DNNVV với nhau; tuy nhiên, sự liên kết chưa thật rộng rãi và hiệu quả chưa cao. Chính vì những vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ, để phát triển bền vững, các DNNVV cần có sự "liên kết" chặt chẽ với nhau về vốn, nhân lực, công nghệ sản xuất,...Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cần hướng dẫn, tạo điều kiện về mặt pháp lý cho các quan hệ liên kết được thực hiện đúng luật pháp và như nêu trên, sự chuyển biến đồng bộ của các cơ quan chức năng sẽ tạo thuận lợi và hơn nữa là tạo niềm tin cho DN vượt qua khó khăn để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.
Song Hồng