Tiếng Việt | English

19/08/2020 - 05:50

Cách mạng Tháng Tám - dấu son trong lịch sử

75 năm trôi qua nhưng hào khí của Cách mạng Tháng Tám và bản Tuyên ngôn lịch sử năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, sống mãi cùng năm tháng, theo suốt cuộc trường chinh cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giữ gìn, phát huy truyền thống Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng bộ và nhân dân Long An đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Cách mạng Tháng Tám là sự kiện lịch sử trọng đại, trang sử vàng chói lọi của dân tộc 	(Ảnh MH: Internet)

Cách mạng Tháng Tám là sự kiện lịch sử trọng đại, trang sử vàng chói lọi của dân tộc (Ảnh MH: Internet)

Cuộc cách mạng của lòng dân

Cách mạng Tháng Tám là sự kiện lịch sử trọng đại, trang sử vàng chói lọi của dân tộc, là đỉnh cao thiên tài trí tuệ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Theo ông Huỳnh Tấn Cường - cán bộ hưu trí ở huyện Đức Hòa, thời điểm bấy giờ, đất nước ta còn muôn vàn khó khăn. Chế độ thực dân, phong kiến làm cho nhân dân ta khắp mọi miền cùng cực, điêu đứng, trong nạn đói kinh hoàng. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên, chớp thời cơ lịch sử, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi cả nước. 

Với bản lĩnh chính trị sắc bén, sự lãnh đạo đường lối sáng suốt, tư duy tổ chức cách mạng linh hoạt, nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa tài tình, Đảng ta chỉ với khoảng 5.000 đảng viên, đã huy động được sức mạnh quật khởi của toàn dân, khôn khéo cô lập 10 vạn quân phát xít Nhật, vô hiệu hóa tất cả các phe phái chính trị phản động, lãnh đạo hàng triệu quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa phát đi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sáng ngày 19/8/1945, hàng chục vạn nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc míttinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Chỉ trong 1 tuần, cuộc tổng khởi nghĩa đã diễn ra và giành thắng lợi khắp Bắc, Trung, Nam: Hà Nội 19/8/1945, Huế 23/8/1945, Sài Gòn 25/8/1945. Trong vòng nửa tháng, toàn bộ chính quyền trên phạm vi cả nước đã về tay nhân dân. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Góp phần vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ Tân An thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất nội bộ, lãnh đạo nhân dân đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam bộ. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh (giai đoạn 1930-2000), ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội. Đêm 20 và sáng 21/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ họp Hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại Chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An, tuy nhiên chưa đến nơi bỗng nghe tin đàng Thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ, ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng.

Di tích  Nhà Tổng Thận (số 19, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An) gắn liền với sự kiện lịch sử Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8  ở Nam bộ

Di tích Nhà Tổng Thận (số 19, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An) gắn liền với sự kiện lịch sử Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 
ở Nam bộ

Sáng 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc míttinh mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Đại diện Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An - Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: “Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!”.

“Cách mạng Tháng Tám thành công để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, trong đó, phải kể đến bài học dựa vào sức dân và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Lòng dân như bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, vì vậy, muốn đổi mới thành công thì trước hết phải củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng,…” - ông Nguyễn Văn Vương - cán bộ tiền khởi nghĩa ở huyện Tân Trụ, khẳng định.

75 năm đổi mới

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công (1945) cho đến những năm đầu hòa bình lập lại (năm 1975), Long An đứng trước muôn vàn khó khăn, nhất là trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam; hạ tầng nông thôn thiếu thốn, lạc hậu; hộ đói, nghèo cao; dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra;… “Vào những năm 1978, 1979, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang của ta phải ăn độn bo bo, khoai thay gạo. Hầu hết lương thực, nhu yếu phẩm để dành vừa viện trợ tiền tuyến chống Pol Pot, vừa lo cho dân trong cảnh mất mùa, hạn hán” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm chia sẻ.

Cũng theo ông Lê Thanh Tâm, để từng bước khắc phục khó khăn, lãnh đạo tỉnh bấy giờ quyết định thực hiện chủ trương “tiến công” về vùng Đồng Tháp Mười với nhiều biện pháp đồng bộ. Nhờ vậy, từ vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, Đồng Tháp Mười bây giờ trở thành những cánh đồng trù phú, là vựa lúa của tỉnh và khu vực. 

Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, với tư duy sáng tạo, tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra. KT-XH phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 9,62%/năm. Cơ cấu kinh tế 3 khu vực I, II, III năm 2020 lần lượt là 14,5%, 52%, 33,5%. 

Công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 15,17%/năm và đóng vai trò động lực phát triển. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 72,67 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 1,52%. Thu ngân sách nhà nước tăng trưởng khá, hàng năm đều vượt dự toán. Tỷ lệ huy động ngân sách trên GRDP đạt khá cao. Nợ xấu được tập trung xử lý, duy trì ở mức tương đối thấp.

Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Trung ương, tỉnh đã đạt những kết quả phấn khởi, vừa tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Việc Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. 

Vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, Đồng Tháp Mười bây giờ  trở thành những cánh đồng trù phú, là vựa lúa của tỉnh và khu vực

Vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, Đồng Tháp Mười bây giờ trở thành những cánh đồng trù phú, là vựa lúa của tỉnh và khu vực

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, qua 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), Long An đã đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có 18/20 chỉ tiêu nghị quyết đạt và vượt. Đây là thành quả, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm, phấn đấu, không ngừng phát huy truyền thống Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. 

Hào khí và ngọn lửa truyền thống của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mãi thắp sáng trên chặng đường phát triển. Kế thừa truyền thống, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh ngày 2/9 bất diệt, Đảng bộ và nhân dân Long An luôn chung sức, đồng lòng, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng như chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết