Tiếng Việt | English

29/11/2021 - 10:23

Cải thiện chính sách để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA

Cải thiện hệ thống chính sách và khuôn khổ pháp lý dựa trên thực tiễn thương mại quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Miến dong - sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của Bắc Kạn được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc và các nước thuộc EU. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Sách trắng 2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố mới đây, có tới 35% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho rằng, thủ tục hành chính vẫn đang là rào cản trong việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Do vậy, cải thiện hệ thống chính sách và khuôn khổ pháp lý dựa trên thực tiễn thương mại quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút vốn đầu tư từ châu Âu, cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Ông Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, bằng cách ghi nhận những khó khăn, thách thức và khuyến nghị của các doanh nghiệp để tìm ra phương án giải quyết, thúc đẩy cơ hội kinh doanh và đầu tư trực tiếp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội.

“Hiện nay tiềm năng đầu tư từ khu vực châu Âu vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực có giá trị cao. EuroCham cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lộ trình phát triển bền vững để mang lại những cơ hội đầu tư tốt hơn trong tương lai cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước,” ông Giorgio Aliberti nói.

Đầu năm 2021, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đã đánh giá rất tích cực và lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam; đồng thời, ghi nhận chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong quý 1 năm 2021 của Việt Nam đạt 73,9 điểm, mức cao nhất kể từ quý 3/2019, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và ảnh hưởng đến nền thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với làn sóng thứ tư xuất hiện và lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã khiến chỉ số BCI giảm gần 30 điểm trong quý 2/2021 xuống chỉ còn 45,8 điểm.

Dịch COVID-19 đã làm giảm sự lạc quan về triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh ở Việt Nam khi chỉ có 19% thành viên EuroCham tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý 3 năm nay.

Thực tế cho thấy, tương tự xu hướng chung trên toàn thế giới, đại dịch đã ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh toàn cầu.

Chỉ số BCI theo đánh giá của EuroCham cũng sụt giảm là do sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19, không phản ánh sự phát triển của Việt Nam hay chính sách của Chính phủ. Bởi lẽ, nhờ các biện pháp hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, bao gồm cả biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và các gói kích thích kinh tế, một số hoạt động kinh doanh vẫn có thể duy trì ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19.

Cũng trong bối cảnh đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 11% trong 12 tháng đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA; trong đó, xuất khẩu của EU tăng 12%.

Đánh giá về những thách thức trong bối cảnh hiện nay, ông Aliberti cho hay, đại dịch bùng phát làm thay đổi nhiều quy định và khung pháp lý toàn cầu; cũng như kéo theo một số gián đoạn nhất định trong thời gian Việt Nam và các nước trong khu vực diễn ra phong tỏa.

Mặc dù vậy, Việt Nam đã tiến hành những cải cách vô cùng đáng kể để thực hiện EVFTA; trong đó, có nhiều nỗ lực liên quan đến chứng nhận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... với những cải tiến rất cụ thể. Đây là điểm khởi đầu vô cùng quan trọng.

Ghi nhận những thành công trong mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp EU, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, EU luôn là một đối tác tin cậy, quan trọng của Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng và an toàn đối với doanh nghiệp châu Âu.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực sau 10 năm đàm phán là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều dù cho đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Năm 2021 là một năm đầy thách thức, khó khăn chưa từng có đối với Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang xúc tiến xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Tới đây, Việt Nam và EU sẽ chứng kiến việc mở cửa thị trường, cùng với thuế quan giảm dần mở ra một làn sóng thương mại mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai phía. Mặc dù những vấn đề gặp phải trong năm 2021 đã thay đổi, nhưng các giải pháp về thương mại tự do, công bằng và dựa trên quy tắc vẫn còn nguyên vẹn.

Nếu hai bên cùng hợp tác, kết nối để giải quyết các vấn đề và cùng nhau chia sẻ phương pháp, tin rằng công cuộc phục hồi sau đại dịch sẽ nhanh chóng đạt kết quả; hướng tới tương lai tươi sáng thịnh vượng hơn trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục đồng hành cùng EuroCham xây dựng những chương trình hành động hiệu quả, thiết thực hơn nữa vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai bên; đồng thời, ghi nhận các kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam để tương thích với cam kết của EVFTA và thực thi hiệp định này thành công, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết