Tiếng Việt | English

16/10/2023 - 11:40

Cải thiện đời sống nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp người dân trên địa bàn huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Phụng (ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) trồng rau má mang lại hiệu quả kinh tế

Thấy nhiều người chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng rau má mang lại thu nhập ổn định, ông Nguyễn Hoàng Phụng (ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) quyết định chuyển sang trồng rau má. Tuy nhiên, thời điểm đó, nguồn vốn là vấn đề nan giải đối với ông. Biết được ý định này, ông Phan Văn Rồng (Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp 3) tạo điều kiện cho ông Phụng vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để chuyển từ 1ha đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng rau má.

Ông Phụng bộc bạch: “50 triệu đồng cộng với số tiền tích cóp, tôi dùng đầu tư đường ống, làm đê bao, mua hạt giống rau má. Nhờ nắm vững kỹ thuật, vụ rau má đầu tiên thắng lớn, lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Rau má dễ trồng, thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, ít sâu, bệnh. Sau khi thu hoạch tiếp tục tưới nước, bón phân, khoảng 20-25 ngày sẽ thu hoạch tiếp, năng suất đợt sau cao hơn đợt trước”.

Theo các nhà vườn, từ tháng 6-11 là khoảng thời gian thích hợp xuống giống rau má. Rau má trồng từ 70-75 ngày bắt đầu thu hoạch đợt 1. Rau má thường mắc bệnh bóng nước, vàng lá do vi khuẩn hoặc mưa nhiều. Đây là 2 loại bệnh không có thuốc trị. Do đó, nông dân sau khi thu hoạch phải cày xới, ngâm đất, tháo nước ra vào nhiều lần để cắt hết mầm bệnh. Ngoài ra, nông dân còn phải làm cỏ thường xuyên nhằm tránh tình trạng cỏ lấn át rau má.

Ông Phụng cho biết: “Mới chuyển sang trồng rau má thì tốn nhiều vốn chứ vụ thứ 2 trở đi, chi phí rất thấp, chủ yếu tốn công lao động. Khi kết thúc mùa vụ, tôi bơm nước vào để thu hoạch hạt trồng cho vụ sau. Thời gian tới, tôi mở rộng diện tích trồng rau má”.

Thời gian qua, nông dân nuôi bò có lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ vốn. Nguyên nhân, giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh, trong khi đó, bò bán giá thấp. Trước tình hình này, nhiều hộ đành ngậm ngùi “treo chuồng”.

Ông Nguyễn Văn Tèo (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) chia sẻ: “Nhờ nuôi bò mà gia đình có cuộc sống tốt hơn, xây được căn nhà khang trang nên hiện nay, dù nuôi bò gặp khó khăn nhưng tôi vẫn không bỏ nghề”.

Ông Nguyễn Văn Tèo (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) duy trì nuôi bò nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Được biết, hiện gia đình ông Tèo nuôi 10 con bò giống 3B. Giống bò này có giá 30 triệu đồng/con, sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, bán được 37 triệu đồng/con. Trừ tất cả chi phí, ông Tèo có lợi nhuận gần 2 triệu đồng/con. Nhẩm tính nuôi bò suốt 3 tháng, ông Tèo thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng.

Khó khăn của ông Tèo cũng là khó khăn chung của các hộ nuôi bò hiện nay. Xác định được vấn đề này, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Huệ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Huệ - Lê Tấn Thành thông tin: “Đến nay, tổng dư nợ trên 370 tỉ đồng của 13 chương trình cho vay, với 4.800 lượt vay. Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục phối hợp địa phương tạo điều kiện cho các đối tượng đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo gắn với xây dựng xã nông thôn mới”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết