Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được toàn xã hội quan tâm. Nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATTP được đề ra, trong đó có việc nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu.
Tuy nhiên, do lợi nhuận nên nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, rượu,... vẫn xem thường đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, chưa tuân thủ quy trình, quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, còn đưa ra thị trường những sản phẩm không đạt chất lượng.
Vì vậy, cần có sự phối hợp một cách đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu, hướng tới mục tiêu tôn trọng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đó, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, cộng đồng dân cư trong việc bảo đảm ATTP; đặc biệt là đối với các loại hình kinh doanh thức ăn tập thể, thức ăn sử dụng nhiều nguyên liệu rau, thịt, rượu, bia,... Đồng thời, các cơ sở kinh doanh và sản xuất phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP; giữ gìn vệ sinh nơi sơ chế thực phẩm, hạn chế sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và tình trạng sử dụng tạp chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, hướng tới xây dựng các cửa hàng thực phẩm sạch, từng bước cải thiện niềm tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra, các ngành liên quan cần phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể và kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố; chú trọng công tác quản lý các vùng nguyên liệu rau, thịt gia cầm và gia súc, thủy sản, việc sản xuất, kinh doanh rượu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm xảy ra./.
Nhã Uyên