Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh TP.HCM, giao thương thuận lợi, trong đó có nhiều tuyến đường bộ như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 đi qua, có biên giới giáp Campuchia,...
Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế cùng với các xu hướng mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào trong tỉnh đang đặt ra yêu cầu Long An phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp làm cho doanh nghiệp hài lòng, người người đồng thuận, không ngừng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2016.
Với tinh thần: “Đồng hành với nhà đầu tư, xem khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của mình”, Long An cần đẩy mạnh những phương thức riêng để tạo môi trường đầu tư tại địa phương khác biệt và hấp dẫn các nhà đầu tư như: Cải thiện môi trường đầu tư mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch với cơ chế “tập trung đầu mối” và “liên thông” giữa các cơ quan chức năng, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.
Để làm tốt công tác thu hút, kêu gọi đầu tư, theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận, cùng chia sẻ trách nhiệm trong giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để mời gọi đầu tư. Cùng với tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền thì việc quan tâm nâng cao chỉ số PCI cũng được xem là kết quả của cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và xem như thước đo của công tác quản lý, điều hành, thực hiện chính sách ở địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư xem xét và đưa ra quyết định có đầu tư hay không.
Tuy nhiên, việc cải thiện chỉ số PCI không dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn, vì vậy, cần xác định thứ tự ưu tiên để cải thiện ngay các chỉ số thành phần có thể thực hiện được mà không cần nhiều nguồn lực đầu tư, bảo đảm luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin; thực hiện các thủ tục hành chính; tiếp cận nguồn vốn, đất đai, ưu đãi thuế,...; tham gia cung ứng các dịch vụ công, dự án đầu tư công,... Mọi khiếu kiện, phản ánh của doanh nghiệp được tiếp nhận và xử lý thỏa đáng.
Tóm lại, các giải pháp này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút tốt các nguồn lực phát triển tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nói chung, Nghị quyết năm 2016 nói riêng, phấn đấu đưa Long An phát triển nhanh, bền vững./.
Huỳnh Thị Thu năm