Tiếng Việt | English

04/05/2016 - 21:30

Cần Đước: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Những năm qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cần Đước, tỉnh Long An đề ra nhiều giải pháp tích cực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Trong 5 năm qua (2010-2015), ngành LĐ-TB&XH huyện phối hợp các ngành liên quan mở nhiều lớp đào tạo nghề như: May công nghiệp, nấu ăn, điện dân dụng, kỹ thuật trồng nấm rơm,…với gần 13.872 học viên tham gia, tổng kinh phí trên 3 tỉ đồng, trong đó số lao động được học nghề theo Đề án 1956 là 4.337 người.

Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH huyện còn chủ động phối hợp các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tổ chức đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề.

Ngành LĐ-TB&XH huyện thường xuyên phối hợp doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn và tạo việc làm sau học nghe

Chị Trần Thị Ngọc Diễm - công nhân Cty may Đức Ngọc thuộc xã Phước Đông chia sẻ: “Trước đây, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình chỉ dựa vào việc làm thuê của chồng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi được hỗ trợ học may công nghiệp và được giới thiệu làm việc cho Cty Đức Ngọc. Hằng tháng, tôi có thu nhập trên 4 triệu đồng. Hiện tại, gia đình có kinh tế ổn định và vươn lên là hộ khá”.

Qua 5 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành LĐ-TB&XH huyện đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, người dân tiếp cận được kiến thức mới trong các lĩnh vực liên quan đến nhu cầu thực tế. Từ đó, giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, thay đổi tư duy sản xuất và tạo việc làm tại chỗ.

Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Đước – Trần Thị Mỹ Dung cho biết: “Trong năm 2016, ngành phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức mở lớp chăm sóc trẻ, nuôi dạy trẻ nhằm tạo điều kiện để trẻ em được chăm sóc tốt hơn trong môi trường an toàn, lành mạnh”.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhu cầu cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Được đào tạo nghề cơ bản, người lao động có nhiều cơ hội xin việc trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao và cải thiện kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích