Tiếng Việt | English

18/02/2016 - 14:48

Nơi đào tạo những người thợ tay nghề giỏi

Không có nhiều lợi thế như các trường trung cấp nghề tại những huyện tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như Đức Hòa, Cần Giuộc,... Thế nhưng, thời gian qua, Trường Trung cấp nghề Đồng Tháp Mười từng bước nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín để trở thành một địa chỉ đào tạo nghề uy tín cho học sinh tại các địa phương trong khu vực.

Trường Trung cấp nghề Đồng Tháp Mười luôn chú trọng việc thực hành để học sinh được tiếp cận công nghệ hiện đại tại các doanh nghiệp.

Trước đây, quan niệm “làm thầy” luôn được các bậc phụ huynh chú trọng hơn là “làm thợ”. Thực tế hiện nay, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn còn đang “loay hoay” chưa tìm được việc làm thì những “người thợ” có tay nghề được đào tạo từ trường nghề lại có việc làm và thu nhập ổn định.

Từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực (ngày 1-7-2014), trong đó, học sinh hoàn thành cấp học THCS chuyển tiếp học trung cấp nghề được miễn học phí 100% chính là điều kiện thuận lợi để thu hút học sinh đến với trường nghề.

Theo Trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Đồng Tháp Mười - Trần Tuấn Thiện, năm học qua, trường tuyển sinh được 156/120 học sinh, đạt 130% kế hoạch. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy công tác đào tạo nghề ngày càng được chú trọng, học nghề được nhiều học sinh quan tâm hơn.

Hiện tại, trường đào tạo 7 nghề gồm: Công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, điện tử dân dụng, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, thú y, bảo vệ thực vật và công tác xã hội. Những nghề thu hút đông học sinh là công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, điện tử dân dụng và bảo vệ thực vật.

Trong quá trình học tập, với 30% lý thuyết nhưng được thực hành đến 70%, học sinh thường xuyên được vào các công ty, xí nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại, liên tục cập nhật kiến thức mới để khi ra trường đủ kinh nghiệm làm việc.

Một số học sinh có kỹ năng, tay nghề tốt trong quá trình thực tập sẽ được các công ty lưu ý, giữ lại làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, khi thực tập, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ một phần chi phí để các em đi lại, sinh hoạt nên học sinh có động lực để học tập, làm việc, vừa rèn luyện tay nghề, vừa có thêm thu nhập.

Riêng với ngành Bảo vệ thực vật hoặc Thú y, học sinh được trực tiếp đến thực tập tại các nông hộ, thậm chí là tại các tỉnh lân cận để tiếp xúc với thực tế. 

Hiện tại, nhiều học sinh ra trường có việc làm ổn định, thu nhập khá cao. Nhà trường cũng thường xuyên giữ liên hệ với các em để nắm tình hình, mức thu nhập và sẵn sàng hỗ trợ khi các em cần sự giúp đỡ.

Cũng theo ông Trần Tuấn Thiện, thời gian tới, trường sẽ chú trọng công tác tuyên truyền tuyển sinh. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các trường THCS, THPT trên địa bàn để không chỉ học sinh mà cả phụ huynh hiểu và chọn được hướng đi đúng đắn, phù hợp với năng lực và điều kiện của con em mình. Từ đó, họ sẽ hiểu rằng, không nhất thiết phải làm “thầy”, làm “thợ” nhưng tay nghề giỏi cũng có thể thành công./.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết