Tiếng Việt | English

06/12/2023 - 11:54

Cần Giuộc số hóa tên đường và 'địa chỉ đỏ'

Từ đầu năm 2023 đến nay, Huyện Đoàn Cần Giuộc, tỉnh Long An và các cơ sở Đoàn trực thuộc trên địa bàn huyện triển khai nhiều công trình nhằm hưởng ứng chủ đề công tác năm 2023 - “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”.

Chỉ cần quét mã QR, tất cả thông tin, hình ảnh, video,... về di tích lịch sử sẽ hiện ra, rất tiện lợi

Góp phần quảng bá du lịch

Đến nay, Huyện Đoàn Cần Giuộc khánh thành và đưa vào sử dụng 4 công trình số hóa di tích lịch sử (DTLS), gồm: DTLS Khu vực Cầu Kinh, DTLS Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cần Giuộc, DTLS cấp tỉnh Miếu Hai Bà Trưng và DTLS cấp tỉnh Đình Bình Đức. Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương chia sẻ: “Việc số hóa các DTLS thể hiện tính tiên phong của tuổi trẻ Cần Giuộc trong chuyển đổi số, góp phần quảng bá các DTLS của huyện đến du khách”.

Tại các DTLS được chọn để số hóa, các thông tin, tài liệu, video clip, hình ảnh, infographic giới thiệu về các di tích được mã hóa, tích hợp trong mã QR được thiết kế và gắn trên bảng công trình. Người dân và du khách khi đến tham quan chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối Internet và quét mã QR là có thể truy cập, tìm hiểu thông tin các di tích.

Trong những DTLS được số hóa, xã Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc) có DTLS Miếu Hai Bà Trưng được UBND tỉnh xếp hạng DTLS cấp tỉnh vào ngày 13/10/2014. Trước đây, ngôi miếu thờ Ngũ Hành nhưng trong kháng chiến chống Pháp bị phá, hư hỏng nặng.

Theo lời kể, trước đây, ông Đoàn Ngọc Tỷ và dòng họ nhận thấy trong thời gian chiến tranh, lòng dân nao núng, để duy trì ngọn lửa đấu tranh của nhân dân nên đã thờ Hai Bà Trưng từ ngày 06/02/1947 Âm lịch. Từ đó, miếu trở thành nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong suốt quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Bí thư Đoàn xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc - Trần Thị Hồng Thủy cho biết: Từ khi các DTLS trên địa bàn huyện được số hóa, Đoàn xã và các cơ sở Đoàn bạn thường xuyên tổ chức hoạt động “Hành trình về địa chỉ đỏ” vào các ngày truyền thống của tổ chức Đoàn hay các ngày lễ lớn, qua đó tuyên truyền, giáo dục về những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, khơi gợi lòng yêu quê hương, đất nước của các bạn trẻ.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Việc số hóa tên đường không chỉ góp phần vào công cuộc chuyển đổi số mà còn góp phần vào việc giáo dục, tuyên truyền cho lớp trẻ về những công lao của các anh hùng, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng tại địa phương

Thời gian gần đây, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR được gắn trên biển tên đường tại xã Long Thượng (huyện Cần Giuộc), người dân sẽ nắm được các thông tin về tuyến đường. Đây là sáng kiến của đoàn viên, thanh niên xã Long Thượng nhằm góp sức vào công cuộc chuyển đổi số.

Bí thư Đoàn xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc - Trần Minh Trí nói: “Gắn mã QR cho tên đường giúp người dân, nhất là giới trẻ dễ dàng tìm hiểu thông tin về những anh hùng, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng của xã, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên, thanh niên cũng như người dân trên địa bàn xã”.

Đoàn xã rà soát, thu thập, tổng hợp tư liệu về tiểu sử nhân vật liên quan và những đặc điểm nổi bật trên tuyến đường. Các thông tin được tham khảo từ tài liệu, sách báo, các cơ quan chuyên môn như ngành Tuyên giáo để bảo đảm chính xác. Sau đó, Đoàn xã thiết kế và mã hóa thành mã QR đặt tại 2 đầu tuyến đường.

Đến thời điểm hiện tại, Đoàn xã lắp đặt 6 bảng gắn mã QR tại 3 tuyến đường: Lê Thị Tám, Huỳnh Thị Dậu và Phạm Thị Kiều. Qua thời gian thực hiện, Đoàn xã cập nhật thêm nhiều thông tin của tuyến đường vào mã QR như chỉ giới xây dựng, các hoạt động của Đảng, chính quyền trên tuyến đường, thu hút nhiều lượt người dân quan tâm quét mã.

Anh Nguyễn Văn Thành (ấp Tân Thành, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) bày tỏ: “Lúc trước, khi đi trên các tuyến đường này, tôi không biết về lịch sử của nhân vật mà chỉ biết là người dân địa phương. Qua quét mã QR, tôi biết thông tin về các anh hùng, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng của địa phương”.

“Hiện nay, Huyện Đoàn Cần Giuộc và các cơ sở Đoàn trực thuộc có nhiều mô hình hay và thiết thực trong thực hiện chuyển đổi số. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục xem xét, đánh giá các mô hình đang được thực hiện thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng toàn huyện để thực hiện đồng bộ, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh” - chị Đỗ Thị Thảo Phương thông tin./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết