Tuổi đời chưa đến 60, ông Phạm Văn Phùng, SN 1957, ấp Ngãi Lợi B, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An cứ ngỡ rằng mình còn đủ sức khỏe chí ít cũng gần 10 năm nữa để lo cho đứa con trai út còn đang học phổ thông.
Vậy mà cách đây ba năm, trong lúc đi phụ hồ ông bỗng nhiên thấy người mệt mỏi, khó thở. Tưởng tuổi cao sức yếu, chỉ cần nghỉ ngơi một lúc để lấy lại sức, thế nhưng hơi thở đến với ông ngày một khó nhọc hơn. Khi đi khám, ông mới biết mình bị bệnh tim. Ngặt nỗi, bệnh tình ngày càng trở nặng khiến gia đình ông ngày càng lao đao.
Bác sĩ Phạm Thị Mai Hòa - Viện tim TP.HCM cho biết, để điều trị căn bệnh của ông, có hai phương án: Một là chuẩn bị tiền mổ tim khoảng 120 triệu đồng; Hai là, đặt máy tạo nhịp đập khoảng chục triệu đồng.
Với hoàn cảnh gia đình ông hiện giờ, mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông cậy vào việc rửa chén thuê của vợ. Mỗi ngày, nếu làm hai ca đến 10 giờ đêm, bà Tuyết - vợ ông kiếm được khoảng 150 ngàn đồng. Nhiêu đó không chỉ là nguồn sống cho vợ chồng ông lúc này, mà còn phải chăm lo chuyện học hành cho con trai út. Do vậy, số tiền trên là quá khả năng với cảnh chạy ăn từng bữa của gia đình ông.
Ông Phạm Văn Phùng với hồ sơ khám bệnh 3 năm tại Viện tim
Gần 30 năm vất vả nuôi con, vợ chồng ông chỉ dám mong mỏi cho con có cái chữ, cái nghề thì cuộc sống sẽ nhàn hạ hơn. Mấy năm vừa rồi, nhờ ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn, con gái ông mới được học đến cao đẳng. Đó là đứa con duy nhất trong nhà ông thoát khỏi cảnh làm thuê làm mướn, công việc bấp bênh. Ông chỉ mừng cho con mà không dám mong con giúp gì vì biết đồng lương mới ra trường còn thấp, con còn phải lo việc trả nợ ngân hàng mỗi tháng. Đứa con lớn của ông không có điều kiện học đến nơi đến chốn, phải đi tha phương tìm việc. Công việc bấp bênh, rày đây mai đó, anh không dành dụm được gì để giúp cha mẹ lúc ngặt nghèo này.
Gần 60 tuổi ông Phạm Văn Phùng vẫn chưa có được căn nhà chắc chắn
Gia đình lớn của ông cũng khó khăn không kém. Mẹ ông già yếu gần 80 tuổi, nằm liệt giường 5 năm nay và một người em trai trước đây bị tâm thần giờ bị tai biến nằm một chỗ cách đây 10 năm. Bản thân cô Nhẫn, em gái của ông cũng bị tật ở tay và trí nhớ không được tốt. Trước đây, cô sống bằng nghề bán vé số nhưng khi cả mẹ và anh cùng liệt giường, thì cô nghỉ bán ở nhà chăm sóc họ.
So với căn nhà gỗ xập xệ của ông, căn nhà của mẹ và các em ông có vẻ khang trang hơn, nhưng không phải ai cũng biết đó là “quà tặng” của Chương trình Vượt qua hiểm nghèo của Đài Phát thanh Truyền hình Long An cách đây 6 năm. Tình nghĩa anh em “máu chảy ruột mềm”, họ cũng đau, cũng xót trước sự khó khăn, bệnh tật của người thân, nhưng trước cảnh lao đao khốn khổ như nhau chỉ biết lặng lẽ nuốt lệ vào trong.
Một người bị dị tật, trí nhớ không tốt phải chăm sóc 2 người nằm một chỗ (trong ảnh cô Phạm Ngọc Nhẫn đút cơm cho anh trai là Phạm Tấn Bình bị tai biến nằm một chỗ đã 10 năm)
Ông Hồ Duy Tâm - Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn cho biết: “Cả hai gia đình bà Liêm (mẹ ông Phùng) và ông Phùng thuộc diện hộ nghèo của xã. Mấy người con của bà Liêm hầu hết đều bị bệnh tâm thần nhẹ do di truyền. Riêng ông Phùng là người khỏe mạnh nhất. Tuy nhiên, hiện nay ông lại mắc bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống bội phần khó khăn. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình ông vượt qua khó khăn để ông có thêm nghị lực vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này”.
Mọi sự chia sẻ và giúp đỡ cho ông Phạm Văn Phùng, quý độc giả và các tấm lòng hảo tâm gần xa hãy gửi về địa chỉ: UBND xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An. Số tài khoản: 6600201008675 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh tỉnh Long An. Điện thoại: 072.3826150.
Mạnh thường quân đến thăm mẹ ông Phạm Văn Phùng vào cuối tháng 4/2016
Minh Đức