Tiếng Việt | English

06/02/2020 - 18:00

Cần lắm tình người trong hoạn nạn

"Hãy là những người tiên phong trong xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp với cộng đồng xã hội và không ngừng lan tỏa điều tốt đẹp đó đến bạn bè, người thân".

Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group - Võ Quốc Thắng

(Đây là lời nhắn gửi từ Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group - Võ Quốc Thắng đến các đồng nghiệp sau khi đọc chia sẻ từ một người bạn về tình người trong thời điểm dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của mọi người).

Gửi anh chị em đồng nghiệp của tôi,

Vừa đọc qua đoạn chia sẻ từ một người bạn, tôi đã có nhiều cảm xúc muốn nhắn gửi cùng anh chị.

Câu chuyện cách đây vài năm, khi Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất. Một phụ nữ Việt có chồng người Nhật đã đăng trên mạng xã hội rằng hôm nay đi đổ xăng, sợ khủng hoảng nên đổ đầy bình, định đi siêu thị mua gom đồ dùng thì bị chồng mắng: "Xăng chỉ được đổ nửa bình". Chị hỏi: "Tại sao, bình thường em vẫn đổ đầy bình mà? Nhất là đang khủng hoảng, lỡ mai không còn xăng đổ thì sao?".

Chồng chị đáp: "Vì là khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình, chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai".

Và không phải mỗi chồng chị, mà người Nhật nào cũng làm như vậy. Vì khủng hoảng nên mọi người đều cố gắng không tích trữ để phần lương thực dư cho những nơi đang gặp tai họa, nhường cho người đang cần.

Và sau đó, toàn thế giới nghiêng đầu trước hình ảnh dòng người Nhật xếp rồng rắn nhẫn nại nhường nhịn, che chở, chờ đợi để được cứu hộ.

Dĩ nhiên, không thể so sánh người Nhật và người Việt vì trình độ xã hội, giáo dục, văn hóa, nhân sinh,... mọi thứ khác nhau.

Chúng ta đang thiếu niềm tin rằng, chỉ cần mình tốt, mình sẽ được đối xử như cách mình sẽ đối xử xã hội.

Do đó, chúng ta trở nên khủng hoảng!

Ví dụ như xem báo chí mấy ngày qua, tôi luôn thấy hình ảnh người dân chen lấn, đổ xô đi mua khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay,… nhằm phòng, chống dịch bệnh. Điều đó đã vô tình gây nên hiện tượng thu gom hàng, tăng giá. Thiết nghĩ, những việc chúng ta đang làm không góp phần cải thiện tình hình mà làm cho nó càng ngày xấu đi. Văn hóa ứng xử cần được chúng ta nhắc nhớ và thực hiện nghiêm túc ngay bây giờ, trong chính gia đình, đơn vị mình.

Tôi hy vọng tất cả đồng nghiệp của tôi sẽ là những công dân văn minh, người tiêu dùng thông minh, tránh sự lãng phí không cần thiết, tránh vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng tình hình hiện nay tạo thêm sự hoang mang. Thật ra, theo mức độ và tốc độ sản xuất của nhà máy, nếu chúng ta mua đủ dùng trong vài ngày, sau đó lại mua tiếp sẽ không gây nên tình trạng thiếu hàng như hiện nay. Nhưng chỉ vì có rất rất nhiều người, tích trữ cả trăm hộp trong nhà nên mới tức thời xảy ra khủng hoảng. Và dự kiến qua cơn khủng hoảng này, lượng khẩu trang, nước sát trùng tích trữ đó có thể dùng đến vài năm.

Thực phẩm cũng vậy, nên nếu có quá lo lắng, chỉ xin tích trữ đủ dùng trong 2 tuần. Thực phẩm sẽ không thể khan hiếm nếu chúng ta vẫn tiếp tục công việc của mình. Hãy bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn!

Trong suốt 10 năm qua, khi đi đến đơn vị nào, đối tượng là cán bộ, nhân viên, công nhân hay bảo vệ, nhân viên lái xe, tôi cũng đều chia sẻ về 5S, về văn hóa ứng xử ngoài xã hội và không chỉ là 1 lần, các vấn đề như:

- Về 5S: Chúng ta 5S ở mọi nơi chúng ta đến - từ ngôi nhà chúng ta đang ở, từ nơi chúng ta đang làm việc và cả môi trường sống xung quanh chúng ta,… Trong đó, chúng ta cần nhìn lại văn hóa ứng xử tinh tế trong mâm cơm của gia đình mình, giữ tính lịch sự, tế nhị trong ăn uống với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp. Lợi ích thì quá rõ, trước hết là bảo vệ được bản thân mình, gia đình mình, sau là bảo vệ được cho người khác, cho cộng đồng, xã hội.

Về văn hóa ứng xử của nhân viên trong cộng đồng, xã hội, trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức, cần lắm niềm tin từ chúng ta - những công dân tri thức, có cơ hội tiếp xúc và nắm bắt thông tin, truyền thông. Hãy là những người tiên phong trong xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp với cộng đồng xã hội và không ngừng lan tỏa điều tốt đẹp đó đến bạn bè, người thân.

Ngoài xây dựng niềm tin mạnh mẽ thì nhất định phải tuân thủ những chỉ đạo từ Trung ương, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch bệnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, chung sức với đất nước, với cộng đồng xã hội để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và giảm thiểu tối đa những thiệt hại./.

Người đồng nghiệp của anh chị em - Võ Quốc Thắng

Chia sẻ bài viết