Tiếng Việt | English

09/04/2017 - 00:30

Cân nhắc sức chịu đựng của nền kinh tế về thuế xăng dầu

Thuế nhập khẩu giảm bao nhiêu, thuế môi trường tăng bấy nhiêu, không vì nguồn thu giảm mà tăng thuế nội địa - là đề xuất của chuyên gia quanh đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít.

 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Ảnh: Trung Hà

“Thuế nhập khẩu giảm bao nhiêu thì thuế nội địa chỉ nên tăng bấy nhiêu, để không làm tăng giá xăng dầu"

Ông Nguyễn Tiến Thỏa

 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, mức thuế môi trường với xăng 8.000 đồng/lít mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ là trần khung thuế, cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh tùy điều kiện cụ thể từng năm, chứ không thể một lúc tăng lên mức tối đa.

TS Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng cần quan tâm tính chính đáng của việc tăng thuế.

Để nuôi dưỡng nguồn thu, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ đó thu thuế doanh nghiệp, thu nhập cá nhân...

Nếu tăng thuế vội vã, bù đắp hụt thu mà không cải cách việc chi tiêu sẽ thành đánh thuế vào nền kinh tế, dẫn tới tính xác đáng của việc tăng thuế không 
có nhiều.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Thành, thuế nhập khẩu đang giảm là nhờ cam kết, trao đổi có đi có lại trong hội nhập.

Nếu vì nguồn thu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có loại thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, theo ông Thành, tính chất hợp lý rất ít. Điều này còn làm doanh nghiệp bị thiệt đơn thiệt kép.

Lý do, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập vào rất nhiều. Trong khi tiếp tục phải tăng chi cho thuế nội địa, sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn, doanh nghiệp sẽ khó có thể sống được.

Như vậy nguồn thu cho Nhà nước sẽ mất đi và không bền vững. Ông Thành đề nghị phải nuôi dưỡng doanh nghiệp. Chính phủ phải cải cách chi tiêu, giảm chi tiêu và tăng tính hiệu quả 
sử dụng ngân sách.

Cần cẩn trọng trong tăng thuế xăng dầu để doanh nghiệp không bị thiệt kép. Trong ảnh: sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại một doanh nghiệp VN - Ảnh: Trung Hà

Trước ý kiến cho rằng người dân vừa được hưởng lợi từ hội nhập thì lại đề nghị tăng thuế nội địa sẽ khiến họ không được hưởng lợi từ hội nhập, trong khi thách thức đang rất nhiều, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng tăng thuế hay không phải căn cứ vào Luật thuế Quốc hội đã phê chuẩn, không phải do Bộ Tài chính quyết định.

“Đừng vì đảm bảo nguồn thu để tăng thuế trong nước. Việc tăng thuế cũng phải được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước, để có mức tăng cho phù hợp” - ông Thỏa nói bởi theo ông, suy cho cùng, tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sử dụng xăng dầu. Không nên tạo cú sốc bởi sẽ ảnh hưởng đến đầu vào 
sản xuất trong nước...

Từ đó, ông Thỏa đề nghị thuế nhâp khẩu giảm bao nhiêu thì thuế nội địa tăng bấy nhiêu, đừng tăng cao hơn để không làm tăng giá xăng dầu.

 

Hai câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng

Theo TS Nguyễn Đức Thành, đang có hai câu hỏi được đặt ra: đánh thuế môi trường nhưng thực sự cải tạo được cho môi trường hay không? Có đạt được mục đích là giảm tiêu dùng xăng dầu để bảo vệ môi trường hay không?

Đây là hai câu hỏi lớn về tính chính đáng của việc tăng mức thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng cả hai câu hỏi chưa được giải đáp một cách thỏa đáng.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết