Long An triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều vào tháng 9/2020
Năm 2020, các ca bệnh bạch hầu tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên, miền Trung và một số ca tại miền Nam. Tại Long An, ngày 15/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận phản hồi từ Viện Pasteur TP.HCM trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phản hồi ngay cho Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng tiến hành xác minh.
Theo đó, bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là nam giới, sinh năm 1999, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng. Ngày khởi phát bệnh là vào 30/11, bệnh nhân có triệu chứng sốt về chiều; được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng, Bệnh viện Đa khoa Long An và Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, đang tiếp tục điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Theo đó, ngành Y tế tiến hành xác minh, điều tra ca bệnh, các trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính, lấy mẫu xét nghiệm tổng cộng 19 trường hợp tiếp xúc gần gửi viện Pasteur TPHCM xét nghiệm và được trả lời kết quả âm tính với bệnh bạch hầu. Đồng thời, xử lý những vật dụng và nhà cửa những ca tiếp xúc gần bằng Cloramin B; cho cán bộ y tế và lái xe tham gia điều trị bệnh nhân uống thuốc dự phòng, theo dõi sức khỏe.
Ngoài ra, tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu; rà soát tỷ lệ tiêm chủng tại xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng và điều tra người dân sống trong vùng dịch để xin ý kiến Viện Pasteur tiêm vắc-xin chống dịch.
Bạch hầu là bệnh có thuốc trị đặc hiệu và có vắc-xin phòng ngừa
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Huỳnh Hữu Dũng cho biết, từ năm 2018 đến nay đến nay, Long An ghi nhận 3 ca bệnh bạch hầu (năm 2018 có 1 ca, năm 2019 có 1 ca và năm 2020 có 1 ca). Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.
Vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục; trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Được biết, trong năm 2020, tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) vào tháng 9 tại các trường học, tổ công tác y tế và tiêm vét tại trạm y tế cho hơn 33.000 trẻ 7 tuổi trong trường học và ngoài cộng đồng. Đây là chiến dịch tiêm bổ sung giúp trẻ tăng miễn dịch phòng bệnh lâu dài.
“Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Với những người chưa được tiêm chủng, trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, đây là bệnh có thuốc trị đặc hiệu và có vắc-xin phòng ngừa, do đó, người dân không nên quá hoang mang, đồng thời cũng không được chủ quan với bệnh bạch hầu." – Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng thông tin thêm.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện bệnh bạch hầu ở nước ta chưa được loại trừ. Vì vậy, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi./.
|
Phạm Ngân