Tiếng Việt | English

05/07/2022 - 09:57

Cảnh giác với những lời rủ rê qua Campuchia làm ‘việc nhẹ, lương cao’

Thiếu hiểu biết, "nhẹ dạ cả tin" nên có những người tìm cách xâm nhập biên giới trái phép để sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" theo lời quảng bá, hứa hẹn, rủ rê trên mạng xã hội. Có trường hợp, sau khi vào làm việc thì bị đánh đập, đòi tiền.

Công an làm việc với một thanh niên nghe theo lời rủ rê trên mạng xã hội và tìm cách xuất cảnh trái phép

Công an làm việc với một thanh niên nghe theo lời rủ rê trên mạng xã hội và tìm cách xuất cảnh trái phép

Chỉ vì "nhẹ dạ cả tin"

Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp đang tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Trong đó, có những trường hợp trình bày qua Campuchia làm việc. Không chỉ người ở trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận mà có những trường hợp bắt đầu hành trình từ tận ngoài miền Bắc, miền Trung.

Nửa đêm 24/02/2021, bộ đội biên phòng phát hiện 14 thanh niên lạ mặt, tụ tập dọc kênh Cái Cỏ, đoạn qua huyện Tân Hưng. Những thanh niên này quê ở các tỉnh: Thanh Hóa, Đắk Lắk, Sơn La, Gia Lai, Bạc Liêu, Bình Dương, Lâm Đồng, đang có ý định vượt biên sang Campuchia xin việc làm. Tất cả những thanh niên này đều thất nghiệp, muốn tìm việc làm nên qua mạng xã hội, họ được một trung tâm giới thiệu việc làm bên phía Campuchia nhận sẽ lo toàn bộ chi phí sang Campuchia và tìm công việc có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Sau vụ việc trên không lâu, rạng sáng ngày 25/3/2021, tại khu vực cầu kênh KT10, ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng (cách đường tuần tra biên giới khoảng 2,5km), lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện và ngăn chặn kịp thời 12 người đang tìm cách xuất cảnh sang Campuchia tìm việc làm.

Hay 3 giờ 45 phút ngày 24/11/2021, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên Đường tỉnh 831D, ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà (cách mốc 230.(2) hướng về phía nội địa khoảng 200m), lực lượng chức năng phát hiện 6 người có biểu hiện nghi vấn. 6 người này khai nhận đều ngụ huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, không có việc làm ổn định, thông qua các trang mạng xã hội được một số đối tượng giới thiệu sang Campuchia làm việc với mức lương cao. Theo đó, cả nhóm đi máy bay vào TP.HCM, sau đó thuê xe đến biên giới Việt Nam - Campuchia để tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Mới đây, vào ngày 01/6/2022, V.N.H. (20 tuổi), ngụ huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội, đã đến huyện Đức Huệ và tìm cách vượt biên qua Campuchia. Trước đó hơn 1 tuần, H. được một người bạn nhắn tin rủ sang Campuchia làm quản lý máy tính cho một công ty (Cty) chưa rõ tên, lương 1.000 USD/tháng.

Sau đó, H. được hướng dẫn đi đến TP.HCM sẽ có người đón và đưa sang Campuchia làm việc, mọi chi phí Cty trả đủ. H. đồng ý và đón xe khách đi từ Hà Nội vào TP.HCM. Khi đến nơi, H. tiếp tục nhắn tin cho người bạn và được hướng dẫn đón xe đi tiếp về biên giới Đức Huệ để tìm cách xuất cảnh trái phép thì bị lực lượng chức năng phát hiện, giữ lại.

Qua làm việc, ngành chức năng đã giải thích cho những người này hiểu rõ hành vi xuất cảnh trái phép qua biên giới là vi phạm pháp luật và rất dễ trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo, mua bán người, bóc lột sức lao động.

Nạn nhân kể chuyện chạy trốn

T.T.K. (21 tuổi, quê xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) là nạn nhân của những đối tượng lừa gạt, môi giới sang Campuchia làm việc trái phép. K. trình bày, đầu tháng 11/2021, thấy một tài khoản Facebook (không nhớ tên) tuyển nhân viên văn phòng, lương 1.200 USD/tháng nên nhắn tin đăng ký.

K. kể, 8 ngày sau, K. nhờ người bạn đưa đến ấp 6, xã Mỹ Quý Đông để gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Đến đó, K. được đưa đến một Cty ở TP.Ba Vet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.

“Khi đến Cty, tôi được bố trí làm việc trên máy tính nhưng do không thành thạo nên không thể làm việc được và bị một nhóm người bắt nhốt lại, đánh đập và yêu cầu thông báo gia đình chuyển hơn 30 triệu đồng để trả chi phí đi lại, đưa rước. Tuy nhiên, vào đầu tháng 12-2021, lợi dụng đêm tối, tôi lẻn trốn thoát ra ngoài và tìm đường về nhà” - K. kể.

Ngoài K., từ năm 2021 đến nay, ở huyện Đức Huệ còn có nhiều trường hợp khác xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc theo lời rủ rê, lôi kéo "việc nhẹ, lương cao". Tuy nhiên, những ngày đi theo lời lôi kéo sang bên Campuchia là nỗi kinh hoàng, khi không đạt theo yêu cầu của Cty (không biết tên) đưa ra sẽ bị bán cho Cty khác hoặc bị đánh đập, nếu muốn được thả về thì phải liên lạc với gia đình chuyển tiền sang.

Đừng để vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết

Để tránh bị lừa đảo “tiền mất, tật mang” và không trở thành nạn nhân của những kẻ mua bán người, ngành chức năng khuyến cáo người dân cảnh giác với những lời quảng cáo, rủ rê, lôi kéo, môi giới sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về nơi thuê lao động, khi tìm việc làm cần liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động được Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, người dân cần hiểu rõ quy định của pháp luật liên quan việc xuất, nhập cảnh, không để vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết.

Mặt khác, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương biên giới đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt được những mối nguy cơ bị lừa đảo. Cùng với các giải pháp, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt biên giới, kịp thời ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, thực hiện các chuyên án điều tra, bắt giữ các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép và truy tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đơn cử, trong tháng 3-2021, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố 3 đối tượng ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Cũng trong tháng 3/2021, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 9 đối tượng về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép,... ./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích